Cơ quan thống kê của Ai Cập (CAPMAS) ngày 8/6 công bố các số liệu cho thấy lạm phát ở nước này trong tháng Năm đã giảm dù vẫn ở mức rất cao là 29,7%/năm.
Đây là lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát giảm kể từ khi Ai Cập thả nổi đồng nội tệ hồi năm 2016, song vẫn là sức ép lớn đối với chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi.
Ông Sisi nhậm chức năm 2014 với nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế quốc gia, kiểm soát giá cả và tạo việc làm.
Tháng 11/2016, Ai Cập đã quyết định thả nổi tỷ giá, dẫn tới việc đồng bảng Ai Cập giảm giá trị và lạm phát tăng phi mã. Tháng 4/2017, lạm phát đã lên tới 30,5%/năm.
Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã nỗ lực giữ đồng nội tệ mạnh hơn và giảm lạm phát bằng việc tăng lãi suất chỉ đạo thêm gấp 3 lần, và đáp ứng các yêu cầu để nhận được gói cứu trợ trị giá 12 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã nâng lãi suất thêm gấp 2 lần, một quyết định nhằm giảm lạm phát và các sức ép đối với tiêu dùng.
Quyết định này đưa ra sau khi IMF nhấn mạnh rằng đây là những nhân tố quan trọng giúp duy trì các cải cách kinh tế hiện nay ở Ai Cập.
Tuy nhiên, giới chủ ngân hàng, doanh nhân và các chuyên gia kinh tế cho rằng tại Ai Cập - nơi chỉ 10% dân chúng gửi tiền trong ngân hàng - lạm phát xuất phát từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nên việc tăng lãi suất sẽ không giúp tạo ra các tác động mong muốn. Vì vậy, việc lạm phát giảm bớt trong tháng Năm vừa qua không hẳn là một dấu hiệu cải thiện về dài hạn.
Chuyên gia kinh tế Ehab al-Dessouki nhận định cần tăng giá trị của đồng bảng Ai Cập và tăng sản xuất, khi đó lạm phát mới thực sự giảm.
Thỏa thuận cho vay 3 năm của IMF gắn với các cải cách kinh tế mạnh mẽ, trong đó bao gồm cắt giảm trợ cấp.
Hồi tháng trước, IMF đã ủng hộ kế hoạch của Ai Cập chấm dứt trợ cấp nhiên liệu trong 3 năm./.