Lạm phát Trung Quốc hạ, chứng khoán châu Á lên

Chứng khoán châu Á đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch 14/12 sau khi tình trạng lạm phát tại Trung Quốc có dấu hiệu giảm.
Chứng khoán châu Á đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch 14/12, ngược với xu hướng bấp bênh đêm trước tại Phố Wall, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư sau khi Trung Quốc không đưa ra thêm các biện pháp mạnh tay nhằm đối phó với tình trạng lạm phát trong nước leo thang, vì giảm lạm phát đồng nghĩa với "hạ nhiệt" tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô.

Kết thúc phiên 13/12, chứng khoán phố Wall diễn biến thất thường sau khi tăng mạnh lúc đầu phiên. Nguyên nhân gây ra sự bấp bênh này là những bất ổn liên quan đến việc Quốc hội Mỹ đang phải chịu sức ép từ luật cắt giảm thuế gây tranh cãi.

Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 18,24 điểm lên 11.428,56 điểm, song chỉ số công nghệ cao Nasdaq lại giảm 12,63 điểm xuống 2.624,91 điểm.

Trên thị trường châu Á chiều 14/12, chỉ số chứng khoán MSCI (trừ Nhật Bản) tăng 0,4%, giúp chỉ số này tăng khoảng 13% tính từ đầu năm tới nay.

Hàng loạt các thị trường lên điểm, trong đó cổ phiếu của các công ty tài nguyên đặc biệt được hỗ trợ nhờ thống kê cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc vẫn rất mạnh.

Điểm sáng của chứng khoán châu Á phiên này là việc chứng khoán Seoul leo lên mức cao nhất trong 37 tháng qua và vượt ngưỡng tâm lý 2.000 điểm, nhờ triển vọng kinh tế lạc quan của Xứ sở kim chi trong năm 2011.

Tại thị trường chứng khoán Seoul, các cổ phiếu công nghệ và ôtô đặc biệt tăng mạnh, sau khi Chính phủ Hàn Quốc khẳng định tiêu dùng cá nhân và đầu tư của doanh nghiệp nước này sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2011 và hỗ trợ nhu cầu quốc nội.

Dự báo này ngay lập tức đã giúp cổ phiếu của Hyundai Motors tăng 1,4%.

Kết thúc phiên này tại Trung Quốc, các chỉ số chủ chốt cũng lên điểm khi những lo lắng trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bị khỏa lấp bằng việc các công ty năng lượng nước này đang được hưởng lợi từ giá dầu cao.

Thông tin tốt này đã giúp chỉ số Hang Seng tại Hongkong tăng 113,58 điểm lên 23.431,19 điểm và chỉ số Composite tại Thượng hải (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) tăng 4,12 điểm lên 2.927,08 điểm.

Trong khi đó tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 có thể còn tăng mạnh hơn 22,88 điểm (lên 10.316,77 điểm) nếu cổ phiếu của các công ty xuất khẩu trong nước không chịu ảnh hưởng trước áp lực đồng yên mạnh lên so với đồng USD./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục