Lần đầu tiên trong lịch sử, quá trình tiến hóa của tảo xanh Lobaria trên dãy núi Himalaya và Hoành Đoạn ở phía Tây Nam Trung Quốc đã được các nhà nghiên cứu công bố.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra 11 loài tảo xanh Lobaria mới, trong đó có 10 loài mới được tìm thấy ở dãy núi Himalaya và Hoành Đoạn.
Nghiên cứu trên cũng chứng minh rằng các loài trên thuộc một chi có 21 loài ở khu vực Đông Á, trong đó dãy núi Himalaya và Hoành Đoạn có 15 loài, chiếm hơn 2/3 tổng số loài ở khu vực Đông Á.
Với mật độ này, khu vực hai dãy núi trên được coi là nơi tập trung phân bố của tảo xanh ở Đông Á.
[Mexico nghiên cứu thành công nhiên liệu sinh học từ tảo xoắn]
Bằng việc vẽ một sơ đồ hình cây thể hiện sự phát sinh loài của tảo xanh Lobaria, các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng nguồn gốc của nó có thể bắt nguồn từ kỷ nguyên Miocen (kỷ nguyên đầu tiên của kỷ Neogen từ 23-2,5 triệu năm trước) ở Đông Á.
Môi trường sinh thái phức tạp được hình thành nhờ sự dâng cao về địa chất của dãy Himalaya và Hoành Đoạn có thể đã mang đến điều kiện tốt nhất cho các loài địa y cực hiếm này sinh sôi và phát triển.
Tảo xanh Lobaria là đại diện cho các loài địa y lá lớn, được con người sử dụng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Những năm gần đây, các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc xác định bậc phân loại sinh học và quá trình tiến hóa của loài này./.