Lần đầu tiên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc ở Trung học phổ thông

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên môn Mỹ thuật và Âm nhạc sẽ được đưa vào dạy ở cấp Trung học phổ thông.
Lần đầu tiên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc ở Trung học phổ thông ảnh 1(Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN)

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên môn Mỹ thuật và Âm nhạc sẽ được đưa vào dạy ở cấp Trung học phổ thông.

Đây là một điểm mới, nhận được sự quan tâm của các nhà trường, các thầy cô giáo và xã hội, bởi việc đưa những môn học này vào giảng dạy cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng với yêu cầu riêng của môn học.

Lấp đầy khoảng trống về giáo dục thẩm mỹ

Thạc sĩ Nguyễn Thị Đông, chủ biên môn Mỹ thuật chia sẻ: Môn Mỹ thuật lần đầu tiên được đưa vào dạy-học ở cấp Trung học phổ thông là một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông, cũng như điểm mới của chương trình môn học.

Điều này đã có ý nghĩa nhất định. Bởi Mỹ thuật là môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác, hướng tới bồi dưỡng, hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh.

Đây là thành tố góp phần đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ…” 

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã để trống một khoảng giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động dạy-học mỹ thuật ở cấp Trung học phổ thông.

Điều này hạn chế tính liên thông giữa các cấp học, giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp ở bậc học cao hơn, hạn chế khả năng đáp ứng nguồn nhân lực lao động gắn với mỹ thuật trong thực tiễn.

Do vậy việc đưa mỹ thuật vào dạy​-học ở cấp Trung học phổ thông góp phần thu hẹp khoảng trống về giáo dục thẩm mỹ, khắc phục những hạn chế nêu trên. Mặt khác, môn học cũng đáp ứng mục tiêu giáo dục phân hóa, giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp Trung học phổ thông...

Thạc sỹ Nguyễn Thị Đông phân tích: Học sinh trung học phổ thông là đối tượng đang trong thời kỳ phát triển hoàn thiện về thể chất và nhân cách, có nhu cầu tìm hiểu về lý tưởng, các giá trị xã hội; có ý thức định hình quan điểm, nhận thức về cái tôi.

Bởi vậy, giáo dục thẩm mỹ nói chung, giáo dục thẩm mỹ thông qua mỹ thuật trong giai đoạn này giúp các em định hướng nhận thức về quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực; hình thành thị hiếu thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại; đặt ra vấn đề tự khẳng định mình trong cuộc sống và nghề nghiệp; lựa chọn con đường tiếp theo phù hợp với sở thích, thiên hướng mỹ thuật, tham gia đời sống xã hội một cách thiết thực và hiệu quả.

Việc đưa mỹ thuật vào dạy​-học ở cấp Trung học phổ thông là đáp ứng sự mong mỏi của nhiều thế hệ những người làm công tác nghệ thuật nói chung, công tác giáo dục mỹ thuật trong hệ thống giáo dục nói riêng, cũng như những người quan tâm đến giáo dục mỹ thuật​-giáo dục thẩm mỹ ở trường phổ thông.

Điều này đã được minh chứng ở nhiều hội thảo, bài viết về đổi mới giáo dục Mỹ thuật phổ thông trong những năm qua.

[Chương trình giáo dục mới: Bỏ kiến thức thừa, xóa nội dung lắt léo]

Lần đầu tiên đưa dạy nhạc cụ vào Âm nhạc

Chia sẻ về những điểm mới trong chương trình môn Âm nhạc, Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, Tổng chủ biên chương trình môn Âm nhạc cho biế​t trong chương trình giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên, Âm nhạc được dạy học ở trường trung học phổ thông. Đồng thời, lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào chương trình.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng học nhạc cụ trong môn Âm nhạc là một xu thế tất yếu, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều dạy học sinh cách chơi nhạc cụ.

Bởi học nhạc cụ làm bối cảnh học tập đa dạng hơn, giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc, năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành và nâng cao tính ứng dụng.

Thông qua nhạc cụ, học sinh sẽ được học bằng đa giác quan, được cảm nhận về âm nhạc một cách trọn vẹn, nâng cao sự trải nghiệm, thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, khác với cách hát thông thường.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh không có khả năng ca hát, một số em đến độ tuổi 12-14 thường bị vỡ giọng, nhạc cụ sẽ là phương tiện để các em thể hiện bản thân. Học nhạc cụ cũng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, nhạc cụ là nội dung mang tính phân hoá, do đó, không nhất thiết tất cả học sinh đều cùng học và cùng chơi một loại nhạc cụ.

Từ lớp 1-3, điều kiện để dạy và học nhạc cụ khá thuận lợi. Chương trình xác định học sinh được học nhạc cụ về tiết tấu, các em có thể chơi bằng một trong số bốn loại nhạc cụ.

Loại thứ nhất là bộ gõ cơ thể, tất cả học sinh đều có thể dùng bộ gõ cơ thể để chơi nhịp điệu, thông qua cách giậm chân, vỗ đầu gối, vỗ tay, vỗ vai, búng ngón tay...

Loại thứ hai là những nhạc cụ gõ đang sử dụng trong chương trình hiện hành (trống nhỏ, thanh phách, song loan...), những nhạc cụ này do nhà trường trang bị, học sinh dùng chung.

Loại thứ ba là một vài nhạc cụ gõ nước ngoài như tambourine, triangle, xylophone.

Loại thứ tư là nhạc cụ tự làm, các em có thể tự làm một vài nhạc cụ gõ đơn giản từ chất liệu sẵn có (vỏ chai nhựa, cốc nhựa, thìa, mảnh gỗ...).

Từ lớp 4 trở lên, điều kiện để dạy và học nhạc cụ cần thêm sự hỗ trợ của gia đình. Chương trình xác định, học sinh được học nhạc cụ về giai điệu và hòa âm, các em cần một trong số nhạc cụ như sáo trúc, kèn melodica, kèn harmonica, sáo recorder, đàn ukulele...

Để đảm bảo vệ sinh, những loại kèn sáo của học sinh phải do gia đình trang bị và các em tự quản lý nhạc cụ của mình. Tại mỗi địa phương, học sinh cũng có thể chơi nhạc cụ phổ biến ở địa phương đó như đàn môi, khèn, đàn tính, đàn T’rưng, cồng chiêng...

Chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới

Thạc sỹ Nguyễn Thị Đông cho rằng​ sự đổi mới nào cũng có gặp khó khăn ban đầu. Việc giảng dạy môn Mỹ thuật, khó khăn sẽ tập trung ở vấn đề đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Để khắc phục, trước hết, các cơ sở đào tạo giáo viên mỹ thuật cần xúc tiến xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo sau khi được tập huấn, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân, giáo viên thực hiện giảng dạy được chương trình.

Trong thời gian đầu, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường có thể căn cứ trên nhu cầu lựa chọn của học sinh, điều kiện thực tiễn của địa phương để mời giáo viên về giảng dạy hoặc cho phép học sinh đăng ký học ở cơ sở đào tạo khác.

Các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật cần rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo, đảm bảo có chương trình đào tạo tương thích với chương trình mỹ thuật phổ thông và kịp thời tuyển sinh cho khóa đào tạo từ năm học 2018- 2019.

Song song với đó, các địa phương, các trường phổ thông cần quan tâm bố trí phòng học chuyên biệt, chuẩn bị cơ sở vật chất khác phù hợp với đặc thù hoạt động mỹ thuật.

Để khắc phục việc chưa có phòng học chuyên biệt, trước mắt nhà trường và giáo viên có thể tạo ra các không gian, hình thức học tập khác nhau dựa trên điều kiện thực tế; khai thác, vận dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học cần có​ vật mẫu, họa phẩm, sách báo, tranh ảnh…, đèn chiếu (overhead), máy chiếu (projector), máy tính kết nối internet…và các nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương để tổ chức dạy học hiệu quả.

Với môn Âm nhạc, ​thạc sỹ Lê Anh Tuấn cho biết chương trình mới kế thừa khoảng 60% nội dung chương trình hiện hành nên giáo viên âm nhạc hiện nay có thể giảng dạy và đáp ứng được 60% về nội dung và yêu cầu của chương trình mới. Trong thời gian tới, các giáo viên cần được tập huấn để hoàn thành giảng dạy chương trình này.

Một điều kiện nữa là các thầy cô giáo sẽ được tập huấn về kỹ thuật sử dụng nhạc cụ và phương pháp giảng dạy.

Các loại nhạc cụ như melodica, recorder, ukulele... đều là những nhạc cụ có âm thanh chuẩn xác, dễ chơi, dễ hòa tấu. Đa số giáo viên âm nhạc có thể chơi được những nhạc cụ này sau thời gian ngắn học tập.

Ở trường trung học phổ thông, âm nhạc là môn lựa chọn, không bắt buộc tất cả học sinh học. Do đó, tất cả các trường không nhất thiết phải có ngay và có đủ giáo viên Âm nhạc.

Các trường có thể mời giảng viên trường nghệ thuật, mời nghệ nhân hoặc giáo viên Âm nhạc ở cấp trung học cơ sở giảng dạy một số nội dung phù hợp. Các Sở Giáo dục và Đào tạo nên chọn một số trường trung học phổ thông để thí điểm việc triển khai giảng dạy Âm nhạc trước khi nhân rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục