Nước xa khó dập lửa gần

Lần đầu tiên EU để IMF can thiệp vào vấn đề nội bộ

Một kế hoạch không thuần túy châu Âu mà có sự tham gia của IMF là giải pháp được lựa chọn cho cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.
Một kế hoạch không thuần túy châu Âu mà có sự tham gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là giải pháp được lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lựa chọn cho cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm ở Brussels, Bỉ, trong các ngày 25-26/3 vừa qua.

Quyết định này đã chấm dứt nhiều tuần tranh cãi trong EU, đồng thời mở ra một chương mới trong lịch sử Khu vực đồng euro, khi lần đầu tiên trong 11 năm tồn tại của mình, khu vực này để IMF can dự vào một vấn đề nội bộ.

Thực tế những tháng qua cho thấy EU không thể chần chừ, khi cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đã làm giảm lòng tin của thị trường vào đồng euro, khiến đồng tiền vốn có giá trị cao này liên tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, và đã xuống mức thấp nhất trong 10 tháng qua vào phiên giao dịch ngày 25/3.

Khủng hoảng nợ ở Hy Lạp còn có nguy cơ gây "hiệu ứng đôminô" trong EU, với Bồ Đào Nha sẽ là con bài lớn tiếp theo, kế đến có thể là Ireland, Tây Ban Nha và Italy. Nếu rơi vào tình trạng vỡ nợ, Hy Lạp có thể gây ra một đợt rối loạn tài chính toàn cầu mới, như sau sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers.

EU cũng không thể chấp nhận bị hủy hoại bởi một quốc gia thành viên chỉ chiếm 3% GDP toàn khu vực, hay "giao phó" hoàn toàn trách nhiệm giải quyết khủng hoảng nợ cho IMF, vì điều này phản ánh sự yếu kém về khả năng phối hợp chính sách trong EU và tạo điều kiện để giới đầu cơ trục lợi.

Hơn nữa, "đốm lửa" Hy Lạp, nếu không được dập tắt, sẽ vượt qua Đại Tây Dương lan sang Mỹ - một kịch bản chắc hẳn sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề đối với đầu tàu kinh tế thế giới này.

Nguy hiểm hơn, một tín hiệu xấu về khả năng thanh toán nợ của Washington, như hệ quả của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, cũng có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư rút lui đồng loạt khỏi nợ chính phủ của Mỹ, đẩy lãi suất tăng vọt và đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, giải pháp thuần túy châu Âu sẽ không khả thi, vì nó đi ngược điều khoản "không cứu trợ" trong Hiệp ước quản lý EU và tạo tiền lệ xấu để các nước khác trong EU cầu viện IMF khi gặp khó khăn về tài chính.

Người nộp thuế trong EU, đặc biệt ở Đức, không sẵn sàng hy sinh cho cách quản lý kinh tế kém hiệu quả của Hy Lạp và không tha thứ cho việc Athens "đánh bóng" các số liệu về ngân sách để đẩy nhanh tiến trình gia nhập đồng euro.

Theo điều tra của Nghị viện châu Âu, một số ngân hàng nước ngoài từng cho các chính phủ trước đây của Hy Lạp vay tiền dưới hình thức các hợp đồng bảo hiểm tiền tệ, nhưng không tính là khoản nợ, nguyên nhân đẩy nợ công của Hy Lạp lên cao.

Các thống kê sai lệch trong nhiều năm qua đã che giấu những khoản nợ chính phủ khổng lồ lên tới 271 tỷ euro (365 tỷ USD), tương đương 125% GDP của nước này, trong năm 2009 và thâm hụt ngân sách chiếm tới 12,7% GDP cùng thời gian này, gần gấp bốn lần mức trần theo qui định của EU đối với các nước sử dụng đồng euro. Đây là một kết cục mà không ai, kể cả lãnh đạo Hy Lạp, có thể hình dung ra được.

Bản thân nhiều nước EU, đặc biệt là Ailen, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng đang trong tình trạng "báo động đỏ" về nợ nhà nước: xấp xỉ, cao hơn hoặc thậm chí gấp đôi mức nợ công cho phép 60% GDP theo quy định của EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kiên quyết bác bỏ sự can dự thuần túy châu Âu vào Hy Lạp. Bà đặt điều kiện gói cứu trợ Hy Lạp phải có sự tham gia của IMF và chỉ được "kích hoạt" khi Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ và đề nghị được cứu trợ.

Ngoài tâm lý nước Đức là thị trường tài chính ổn định nhất trong Khu vực đồng euro và là một trong hai cổ đông lớn nhất trong Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng với Pháp, mối lo ngại đảng do bà đứng đầu có thể mất điểm trong cuộc bầu cử cấp bang vào tháng Năm tới nếu Đức ủng hộ gói cứu trợ của EU cũng là lý do khiến bà Merkel, được mệnh danh là "Thatcher của Đức", giữ lập trường kiên định trong vấn đề Hy Lạp.

Giới phân tích cho rằng việc EU kết hợp các công cụ của chính mình với "nước xa" để dập "lửa gần" là quyết định thích hợp nhất tại thời điểm hiện nay cho cuộc khủng hoảng của Hy Lạp. Bởi lẽ, không thể coi đó là một "bê bối" đối với Khu vực đồng euro, nếu IMF ra tay cứu giúp nước thành viên Hy Lạp, như đã từng làm với Bungaria, Hungary và Romania.

Hơn nữa, Hy Lạp sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn từ các khoản vay của IMF, dù phải chịu những điều kiện nghiêm ngặt hơn. Điều này có thể giảm nhẹ những khó khăn tài chính cho Hy Lạp và cho cả EU.

Giải pháp của EU dù không phải là thần dược, song cũng là một "vị" trong "thang thuốc" giúp Hy Lạp trị "căn bệnh" khủng hoảng nợ, kết hợp với vị thuốc "thắt lưng buộc bụng" của Athens.

Việc EU chấp nhận kết hợp sự đóng góp của Khu vực đồng euro và IMF, kèm theo các điều kiện nghiêm ngặt cho việc áp dụng đường hướng này đối với Hy Lạp chứng tỏ EU muốn củng cố và thực hiện các nguyên tắc hiện hành, một mặt nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong Khu vực đồng euro, mặt khác tăng cường khả năng hành động của khu vực này trong thời kỳ khủng hoảng.

Liệu Hy Lạp có vượt qua cơn bĩ cực hiện nay với sự trợ giúp của các thành viên khác trong Khu vực đồng euro và IMF hay không, liệu EU có bị hủy hoại vì những đốm lửa khủng hoảng nợ đã và có nguy cơ bùng phát hay không vẫn là những ẩn số.

Giới phân tích lo ngại các biện pháp "khắc khổ" của Hy Lạp có thể làm tăng nguy cơ giảm phát, khiến sản lượng kinh tế của nước này sụt giảm.

Sự can dự của IMF có thể là "con dao hai lưỡi", dẫn đến việc nhiều nước từng cầu viện IMF sẽ cơ cấu lại nợ, hoặc chất nặng thêm gánh nợ tài chính cho Hy Lạp do phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao trong thời gian tới.

Không ít người cho rằng đường hướng kép của EU chỉ có tác dụng xoa dịu, chứ không giải tỏa được mối lo ngại của các thị trường về tình hình tài chính trong EU./.

Lưu Liên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục