Làn sóng giết chóc lan rộng trên đảo du lịch của Pháp

Một làn sóng giết chóc ở đảo Corsica của Pháp lại tiếp diễn khi danh sách nạn nhân từ đầu năm nay đã tăng lên thành 16 người.
Một làn sóng giết chóc ở đảo Corsica của Pháp lại tiếp diễn khi danh sách nạn nhân từ đầu năm nay đã tăng lên thành 16 người.

Nạn nhân mới nhất đã bị bắn chết hôm 24/10 tại một trạm dịch vụ ở Propriano, một cảng biển nhỏ nằm ở bờ biển Tây Nam của Corsica.

Vụ nổ súng diễn ra chỉ tám ngày sau vụ ám hại tương tự nhằm vào Antoine Sollacaro, một luật sư nổi tiếng ở vùng Ajaccio gần đó, buộc chính quyền phải triển khai hàng loạt biện pháp nhằm chống lại những tên tội phạm hình sự đứng sau các vụ giết chóc.

Cảnh sát đã nhận diện nạn nhân mới nhất là Patrick Sorba, 44 tuổi, một trộm vặt từng nhiều lần có vấn đề với pháp luật do dùng ma túy và phạm các tội danh khác.

Francis, anh trai của Patrick, là thành viên của băng tội phạm Vilinco nổi tiếng, từng bị khởi tố vì các tội cướp có vũ khí. Anh ta cũng đã thoát khỏi vài âm mưu ám sát tương tự vào tháng 11/2011.

"Mọi thứ liên quan tới vụ giết hại này khiến chúng tôi nghi ngờ đây là một màn trả đũa" - công tố viên Ajaccio Xavier Bonhomme cho biết - "Hãy còn sớm, quá sớm để nói rằng có phải vụ giết người này có liên quan tới Sollacaro hay không."

Chính quyền đã cam kết sẽ hỗ trợ cảnh sát trong việc trấn áp các băng tội phạm rửa tiền và tống tiền ở Corsica. Tuy nhiên các bộ trưởng thừa nhận rằng sẽ phải mất thời gian dài để tạo sự thay đổi ở hòn đảo này, nơi các vụ giết người báo thù và luật im lặng vẫn còn phổ biến.

"Từ rất lâu, Corsica đã trở thành thiên đường của các mạng lưới mafia và tình trạng bạo lực đã ăn mòn xã hội này" - Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls nói - "Vì vậy không ai được nghĩ rằng chỉ trong vài ngày hoặc vài tháng mà chúng ta có thể giải quyết được một vấn đề đã được xem xét trong hàng năm trời."

Kể từ đầu năm 2011 tới nay đã có 38 vụ giết người và 117 âm mưu giết người diễn ra tại hòn đảo có dân số vỏn vẹn hơn 300.000 người, khiến đây là nơi có tỷ lệ giết người cao nhất châu Âu.

Cảnh sát tin rằng phần lớn các vụ án mạng có liên quan tới hoạt động tranh giành quyền kiểm soát thị trường bảo kê, vốn nhắm tới các doanh nghiệp du lịch ở đây. Ngoài ra bọn tội phạm còn tranh giành khoản lợi nhuận béo bở tới từ hoạt động phát triển bất động sản ở hòn đảo này.

Tình hình ở Corsica thêm phức tạp bởi thực tế rằng các bộ phận dân cư thuộc về một phong trào dân tộc chủ nghĩa đã mở các cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài lâu nay đòi ly khai khỏi Pháp, dường như đã "bắt tay" với tội phạm có tổ chức.

Nhiều nạn nhân của một số vụ sát hại gần đây đều là các nhân vật nổi tiếng trong phong trào ly khai kể trên./.
 
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục