Làn sóng thu mua và sáp nhập sẽ không bền vững

Sự phục hồi của M&A với tốc độ ổn định hiện nay không át được tâm lý lo ngại ngày một leo thang về "sức khỏe" kinh tế toàn cầu.
Các kế hoạch tiếp quản trị giá 200 tỷ USD được tuyên bố trong tháng 8/2010 có thể không đủ sức tiếp lửa để các thị trường chứng khoán bùng nổ, trong bối cảnh nhà đầu tư sợ rằng sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm.

Trong điều kiện tốt nhất, sự phục hồi của hoạt động thu mua và sáp nhập (M&A) - được kích hoạt bởi mức lãi suất thấp, cổ phiếu giá rẻ... sẽ giúp hạn chế đà sụt giảm trên các sàn chứng khoán, khi các nhà quản lý quỹ giành giật những cổ phiếu nằm trong tầm ngắm của mình.

Mặt trái của hoạt động M&A khi được củng cố là lượng việc làm sẽ bị mất nhiều hơn. Đặc biệt, nhà đầu tư lại càng băn khoăn khi những thỏa thuận M&A xuất phát từ tâm lý lo ngại về nhu cầu của thị trường trong tương lai.

Theo thống kê của Thomson Reuters Worldscope, 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất Mỹ (S&P 500) đã cắt giảm mạnh chi phí để đối phó với tình trạng kinh tế suy giảm, vừa kết thúc quý 2/2010 với 1.630 tỷ USD tiền mặt trong tay - mức cao kỷ lục tính theo quý.

Các công ty này, mặc dù phải vật lộn để nâng cao doanh thu trong môi trường kinh tế ốm yếu, đang tạo nên một làn sóng M&A mà theo thông lệ tháng Tám là một trong những tháng yên ắng nhất của năm đối với hoạt động M&A.

Theo Thomson Reuters, tháng 8/2010 đánh dấu tháng thứ ba từ đầu năm tới nay lượng tiền cam kết đứng ở mức cao.

Con số 1.500 tỷ USD đầu tư cho hoạt động M&A tính từ đầu năm tới ngày 23/8/2010 cao hơn tới 20,6% so với năm 2009, nhưng vẫn thấp hơn 50% so với mức 3.100 tỷ USD của cùng kỳ năm 2007, thời điểm các sàn chứng khoán toàn cầu đang ở đỉnh cao.

Từ đầu năm tới nay, chỉ số chứng khoán thế giới MSCI giảm 7,1%, do đà phục hồi của kinh tế toàn cầu chững lại và cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Trong khi sự phục hồi của M&A vẫn tiếp tục với tốc độ ổn định, các chuyên gia phân tích cho rằng hiện tượng này không át được tâm lý lo ngại ngày một leo thang về "sức khỏe" kinh tế toàn cầu. Chính tâm lý này đã khiến các sàn chứng khoán mắc kẹt và đẩy lợi tức trái phiếu chính phủ lên mức cao kỷ lục.

Alain Bokobza thuộc ngân hàng Pháp Societe Generale nhận định nhân tố chủ chốt chi phối thị trường M&A hiện nay vẫn là kinh tế Mỹ và Trung Quốc giảm tốc. Hiện làn sóng M&A vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ và nguồn lực.

Số vụ giao dịch tương đối nhỏ trong tháng 8/2010 cũng khiến giới phân tích cảnh giác. Thống kê cho thấy trên quy mô toàn cầu, trong tháng 8/2010 chỉ có 1.863 vụ giao dịch, so với mức 2.961 vụ của tháng 8/2009 và 3.067 vụ tháng 8/2008.

Dường như các công ty chủ yếu bị ám ảnh bởi triển vọng u ám về doanh thu, nên đã dốc túi vào các vụ tiếp quản thay vì tăng vốn cho xây dựng, mua sắm trang thiết bị và thuê nhân công. Hiện tượng này không thể khiến nhà đầu tư yên lòng về triển vọng kinh tế./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục