Lan tỏa các chương trình khuyến mại giảm giá, bình ổn thị trường dịp cuối năm

Với đa dạng các giải pháp, nhiều địa phương trong cả nước đã chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, giúp người dân yên tâm mua sắm, qua đó góp phần bình ổn thị trường.

Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Khuyến mại giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, kết hợp bình ổn thị trường đang là giải pháp hữu hiệu được các địa phương triển khai một cách đồng bộ trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Với các chương trình này, không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi khi đi mua sắm mà doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa tới tay các khách hàng, tạo sự gắn kết giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối, bán lẻ.

Giá cả nhiều mặt hàng giảm sâu

Từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11/2023, thành phố Hà Nội đã tổ chức Tháng Khuyến mại với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, ngành hàng.

Chỉ trong 3 ngày diễn ra sự kiện “Lễ hội mua sắm Hà Nội” từ ngày 27-29/10, đã có hơn 10.000 lượt người tiêu dùng tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Tổng doanh thu ghi nhận đã đạt hơn 50 tỷ đồng, giá trị các sản phẩm khuyến mại, quà tặng dành cho người tiêu dùng cũng đạt hơn 20 tỷ đồng.

Theo đánh giá của nhiều khách hàng, trong các sự kiện mua sắm, hàng Việt Nam đều có sự thay đổi rõ nét từ chất lượng, mẫu mã, còn giá cả cũng tương đối phù hợp với các phân khúc thị trường.

Trong khi đó, các hoạt động khuyến mãi được tổ chức thường xuyên, liên tục cũng giúp tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi BigC và Go! miền Bắc (Tập đoàn Central Retail Việt Nam) cho biết để chuẩn bị cho Tháng Khuyến mại Hà Nội doanh nghiệp đã làm việc trước với các nhà cung cấp để có được mức giá và nguồn hàng tốt nhất.

“Bên cạnh chương trình Tháng Khuyến mại, BigC và Go! miền Bắc còn có chương trình 1.000 sản phẩm giá luôn thấp. Đơn vị cũng chú trọng đầu tư để vừa hỗ trợ người tiêu dùng vừa tạo lợi thế cạnh tranh với đối thủ. Ghi nhận trong tuần đầu tiên của Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023, mức tăng trưởng bán hàng khoảng 10,6%,” đại diện BigC và Go! miền Bắc cho hay.

img-3374-6030.jpg
Hàng hóa tại các doanh nghiệp bán lẻ đa dạng, giá cả phù hợp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn theo đại diện BRGmart, triển khai chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội, chỉ trong hơn 10 ngày, doanh số tăng trưởng hơn cùng kỳ năm ngoái và cùng kỳ tháng trước khoảng 60%, trong đó, mặt hàng bánh kẹo tăng trưởng doanh thu bán hàng 65% so với cùng kỳ tháng trước; đồ uống tăng trưởng 227% so với cùng kỳ tháng trước; đồ tươi sống tăng trưởng 42%; hóa mỹ phẩm tăng trưởng 35%,...

Đẩy mạnh công tác bình ổn thị trường

Sau đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, trong khi người tiêu dùng vẫn thắt chặt hầu bao trong các hoạt động chi tiêu, mua sắm hàng hóa.

Chính vì vậy, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội cho rằng Tháng Khuyến mại Hà Nội 2023 là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, kích cầu tiêu dùng. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và cân đối cung-cầu trên địa bàn Thủ đô.

Bắt đầu từ tháng 12 sẽ bước vào mùa mua sắm chính của năm, dự báo nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng khoảng 7-15% so với năm trước, đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán cũng đang đến gần, do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ và nhà cung cấp đều chuẩn bị kỹ lưỡng, chú trọng đến công tác bình ổn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng Điều hành Vùng miền Bắc, Công ty MM Mega Market thông tin, từ 2-3 năm trở lại đây, doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tham gia các hội nghị kết nối cung-cầu. Đặc biệt, trong dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán sắp tới, đơn vị sẽ tăng cường đưa vào hệ thống trưng bày những sản phẩm OCOP mang tính đặc sản vùng miền, đặc biệt dành cho những khách hàng không có điều kiện về thăm quê hương vào dịp Tết vẫn có thể mua và thưởng thức được những sản phẩm đặc trưng vùng miền ngày trong các cửa hàng của MM Mega Market.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc Marketing Saigon Co.op, sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết (bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giỏ chả, dưa hành củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả …), các mặt hàng đồ dùng, may mặc dự đoán tăng nhẹ.

Do vậy, Saigon Co.op đảm bảo phương án vận chuyển thông suốt, kịp thời thông qua hệ thống trung tâm phân phối, kho vệ tinh được đặt tại các miền đất nước và các hợp đồng hợp tác chiến lược cùng các đối tác vận tải.

"Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, Saigon Co.op tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2-3 lần so với ngày thường. Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ quả, trái cây… được kiểm tra chất lượng ngay tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị," ông Nguyễn Ngọc Thắng nói.

vnp-km1-9461.jpg
Các chương trình khuyến mại góp phần binh ổn thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, thành phố Hà Nội đang triển khai chương trình bình ổn thị trường vào tháng 6/2023 và đến tháng 10/2023 Sở Công Thương Hà Nội ban hành kế hoạch phục vụ Tết trên địa bàn với tổng trị giá 11 mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022.

“Hiện các doanh nghiệp phân phối đã kết nối với vùng sản xuất và các doanh nghiệp để thu mua dự trữ nguồn hàng, đảm bảo dự trữ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết để đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân,” lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, đối với hàng hóa thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, Thành phố đã thiết kế trong Chương trình bình ổn thị trường và có sự quan tâm chuẩn bị từ kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa đến phân phối, bảo đảm không bị đứt hàng hoặc thiếu cục bộ, đồng thời, có phương án can thiệp kịp thời để không phát sinh điểm nóng đứt hàng, tăng giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục