Lãnh đạo Vinatex: Mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD khó cán đích

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, năm 2016 mức tăng trưởng của toàn ngành Dệt may chỉ đạt từ 6%-7%, tương đương giá trị khoảng 28-29 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Lãnh đạo Vinatex: Mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD khó cán đích ảnh 1​Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Dệt may, thiết bị và Nguyên phụ liệu 2016. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), những biến động kinh tế trong nước và thế giới đã tác động ​mạnh đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam và khả năng sẽ không hoàn thành ​kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Thông tin tại buổi họp báo Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2016 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức ngày 2/11, tại Hà Nội, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, mức tăng trưởng cả năm của toàn ngành chỉ đạt từ 6%-7%, tương đương giá trị khoảng 28-29 tỷ USD.

Như vậy, so với mục tiêu đề từ đầu năm là 31 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của toàn ngành dệt may sẽ giảm từ 2-3 tỷ USD.

Chỉ ra nguyên nhân lãnh đạo Vinatex cho biết, mặc dù Việt Nam đã ký được nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) là điều kiện để mở rộng thị trường nhưng đi kèm theo đó là áp lực cạnh tranh cũng ​hết sức gay gắt.

Lãnh đạo Vinatex: Mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD khó cán đích ảnh 2Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vinatex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phân tích thêm, ông Dũng cho rằng, ​hiện nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng dệt may trên thế giới đã bão hòa và mẫu mã, giá cả sẽ là những vấn đề ​sống còn ​để cạnh tranh, ​do vậy việc sụt giảm về giá đã tác động đến ​mục tiêu chung.

Từ thực tế đó, lãnh đạo Vinatex khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ để từ đó có thể nâng cao chất lượng và năng suất lao động cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hơn thế nữa là trở thành một nhà kinh doanh thương mại chuyên nghiệp trên thị trường thế giới.

Nhìn nhận về ​năm tới, ông Dũng tỏ ra không mấy lạc quan khi cho biết, năm 2017 sẽ tiếp tục là năm cạnh tranh và rất khó khăn cho ngành dệt may. Do vậy, để chuẩn bị tốt, theo ông, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giảm bớt khâu trung gian để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Quan trọng hơn, theo vị lãnh đạo này, toàn ngành dệt may phải đẩy mạnh năng lực giao dịch, đáp ứng nhanh mọi yêu cầu của khách hàng (từ chào hàng đến giao hàng) cũng như mọi dịch vụ cung ứng khác, từ đó mới có thể bứt phá và chiếm ưu thế tr​ong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Khi thị trường đã bão hòa việc làm qua trung gian sẽ làm giảm yếu tố cạnh tranh của sản phẩm, do vậy phải đi làm trực tiếp các khách hàng như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu và Nhật Bản," lãnh đạo Vinatex nói./.

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2016 diễn ra từ ngày 2-4/11/2016, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Triển lãm thu hút 171 công ty đến từ 13 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới như: Đức, Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Việt Nam... tham gia giới thiệu thiết bị, máy móc và nguyên phụ liệu phục vụ thị trường cho ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục