Lào Cai chủ động phòng dịch tả lợn châu Phi từ xa, từ sớm

Rút kinh nghiệm từ những năm trước khi người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh, thời điểm này, người chăn nuôi ở Lào Cai đã chủ động phòng dịch tả lợn châu Phi từ xa, từ sớm.

(Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN.)
(Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN.)

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xuất hiện tại một số địa phương ở Lài Cai. Tuy không bùng phát thành đại dịch, nhưng từ tháng 8/2023 đến nay, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng tại những nơi có tổng đàn lợn lớn.

Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, dịch bệnh được dự đoán sẽ có nguy cơ lây lan mạnh hơn trong địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, người chăn nuôi tại Lào Cai không lơ là, chủ quan với dịch bệnh mà đã có những biện pháp chủ động phối hợp phòng dịch từ xa, từ sớm.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn. Bệnh do virus gây ra, gây sốt cao, xuất huyết nặng ở lợn, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100%.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, từ năm 2019 đến năm 2023, ước tổng thiệt hại do dịch bệnh tả lợn châu Phi gây ra tại Lào Cai khoảng trên 200 tỷ đồng.

Tại Lào Cai, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên từ năm 2019, khi đó dịch bệnh xảy ra tại 6.698 hộ (chiếm 9,41% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh), làm 36.881 con lợn mắc bệnh và cùng đàn phải tiêu hủy; số lượng tiêu hủy trên 7% tổng đàn lợn toàn tỉnh.

Để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Lào Cai đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch như phun hóa chất, khử trùng tại ổ dịch và các khu vực xung quanh, giám sát chặt chẽ các ổ dịch…

Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi rất khó có thể khống chế hoàn toàn, do virus dịch tả lợn có khả năng đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi hiện tại vẫn khó có thể đáp ứng được các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp với các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn gia tăng vào những tháng cuối năm âm lịch, càng khiến nguy cơ của bệnh tăng cao.

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai khuyến cáo người chăn nuôi cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo khuyến cáo, tuyệt đối không giấu dịch, bán tháo vật nuôi bị bệnh chết.

Ngày 30/8/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số 4373 chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai Lê Tân Phong, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công trong chăn nuôi và tiêm vaccine là một giải pháp quan trọng để chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần AVAC Việt Nam kiểm tra lâm sàng và tiến hành tiêm phòng vaccine AVAC ASF LIVE cho 63 con lợn của 3 hộ chăn nuôi của huyện Bảo Thắng.

Đến thời điểm hiện tại, đàn lợn sau tiêm phòng vẫn phát triển bình thường; kết quả kiểm tra kháng thể bảo hộ 28 ngày sau tiêm phòng vaccine đạt cao.

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy Chứng nhận lưu hành.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, khẳng định vaccine AVAC ASF LIVE là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ đàn lợn, đặc biệt cần thiết cho chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi quy mô vừa, nhỏ, mô hình rất phổ biến ở Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục