Sắc Xuân trên những vùng thiên tai đi qua

Lào Cai: Sắc Xuân trên những vùng thiên tai đi qua

Cuộc sống của người dân Lào Cai từng bước ổn định, phấn khởi cùng cộng đồng đón chào Năm mới sau trận mưa đá và mưa tuyết lịch sử dài ngày.

Năm 2013, Lào Cai hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề. Từ trận mưa đá lịch sử trút xuống ba huyện đặc biệt khó khăn là Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai, đến lũ quét kinh hoàng ở Bản Khoang (Sa Pa).

Gần đây nhất là trận mưa tuyết lịch sử dài ngày và cường độ lớn tại Sa Pa, Bát Xát gây khó khăn lớn đối với cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân, làm thiệt hại về vật chất tới hàng trăm tỷ đồng.

Nhưng, nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, sự nỗ lực vươn lên vượt khó của người dân địa phương, cuộc sống của người dân vùng thiên tai từng bước ổn định, phấn khởi cùng cộng đồng đón chào năm mới Giáp Ngọ.

Ba huyện nghèo khắc phục hậu quả mưa đá

Sau trận mưa đá lịch sử đêm 14/4/2013, nhìn cảnh tan hoang nhà cửa và nương đồi, ông Lục Văn Dũng (xã Tung Trung Phố, huyện Mường Khương) không thể tưởng tượng được mình sẽ lại khôi phục được mái nhà trở lại như ban đầu nhanh như vậy, trong khi cái ăn, mặc thiếu thốn, gia đình còn ở mức vừa thoát nghèo.

Trong vòng nửa tháng, không chỉ có nhà ông mà cả làng bản đã được phủ một lớp ngói mới, đường đi lại phong quang, trẻ em lại được cắp sách đến trường. Đó cũng là bức tranh chung của các địa phương bị ảnh hưởng mưa đá hai huyện vùng cao Bắc Hà và Si Ma Cai.

Tỉnh Lào Cai đã huy động ở mức cao nhân lực, vật lực giúp đỡ đồng bào bị thiên tai. Chỉ trong một ngày, hàng vạn tấm lợp prôximăng, tôn, nhựa, hàng ngàn mét vuông vải bạt và các vật liệu cần thiết khác đã được vận chuyển lên các xã bị ảnh hưởng thiên tai. Chỉ một tuần, hàng ngàn nóc nhà đã được phủ kín. Màu áo thanh niên tình nguyện hòa cùng màu áo lính, sát cánh bên nhau cùng gắn bó với bản làng thu dọn những tấm đổ nát, lợp lại mái nhà, dọn vệ sinh làng bản.

Ngoài thiệt hại về nhà cửa, ba huyện nghèo đã mất trắng hàng ngàn hécta ngô, trong đó, huyện Mường Khương thiệt hại nhiều nhất với 600ha ngô xuân không còn khả năng hồi phục, chiếm 50% diện tích ngô xuân toàn huyện. Không chỉ vậy, mùa đậu tương, loài cây công nghiệp ngắn ngày mang giá trị hàng hóa cao trên đất Mường Khương cũng bị thất thu. 135ha đậu tương đang trong giai đoạn chăm sóc bị đổ hoàn toàn. Nhưng chỉ sau một tháng, các cánh đồng của Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà... màu xanh đã trở lại với sự chăm sóc cần mẫn của bà con, sự hỗ trợ về giống, phân bón kịp thời của Nhà nước.

Gia đình anh Lý Văn Hưng (xã Lũng Pâu I, huyện Mường Khương) là hộ tích cực trong phong trào trồng cây công nghiệp ngắn ngày. VXxuân 2013, anh trồng trên 1.000m2 cây đậu tương. Mưa đá không chỉ phá nát mái nhà ba gian mới lợp prôximăng mà còn làm nát toàn bộ hoa màu. Không đầu hàng thiên tai, anh Hưng vừa tổ chức phục hồi diện tích ngô còn sót lại, vừa trồng dặm thêm giống mới, cuối cùng anh đã cùng bà con trong thôn xã vực lại sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Ma Quang Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Lào Cai, cho biết trong sản xuất, người dân vùng cao không ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của Nhà nước, mà chủ động khắc phục. Do tính chất khung thời vụ, nên ngành nông nghiệp đã định hướng cho bà con ở xã vùng cao không chuyển đổi sang cây trồng khác, mà trồng dặm để tháo gỡ khó khăn.

Những nỗ lực của người dân các địa phương của huyện Mường Khương là rất đáng biểu dương bên cạnh tinh thần trách nhiệm của ngành chuyên môn trong việc vực lại sản xuất sau thiên tai. Đi qua những khó khăn sẽ giúp người dân các huyện nghèo tôi luyện thêm ý chí, quyết tâm làm nên những mùa vàng no ấm. Kết thúc năm 2013, sản lượng lương thực của ba huyện vùng cao chịu ảnh hưởng mưa đá vẫn không bị sụt giảm, người dân vùng cao sau mưa đá vẫn có một cái Tết đủ đầy.

Sa Pa vươn lên sau lũ quét, mưa tuyết

Giờ đây về Bản Khoang, thôn Can Hồ A, dường như không ai muốn nhắc lại cơn lũ quét kinh hoàng mấy tháng trước (tháng 9/2013). Bản Khoang đã hồi sinh mạnh mẽ sau tai ương. Những ngôi nhà bị cuốn phăng không còn vết tích bởi đã được hỗ trợ, đầu tư thay bằng những ngôi nhà ximăng kiên cố để ổn định cuộc sống và tái sản xuất. Đất đá ngổn ngang đã được máy xúc, máy gạt san ủi xếp gọn lại; con đường được trải bê tông.

Ông Chảo Phù Chẳn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Khoang, cho biết theo như tiêu chuẩn, mỗi ngôi nhà của người dân sẽ được xây dựng kiên cố trên một khu đất mới an toàn với chi phí khoảng hàng trăm triệu. Ngoài ra, các gia đình có người chết và bị thương cũng được hỗ trợ về tiền mặt; cung cấp các trang thiết bị thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như máy cày, bếp ga, chăn màn, hỗ trợ gạo ăn trong sáu tháng, tiền xây chuồng trại, tiền mua con giống...

Cả bốn trường học đã được lực lượng cứu hộ và hơn 200 giáo viên tình nguyện huyện Sa Pa dọn dẹp bùn đất, sửa sang bàn ghế, bổ sung sách vở, đồ dùng, thiết bị dạy học… Đến nay, nhờ sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cả cộng đồng, tại bốn trường học, học sinh đã trở lại học tập bình thường, bốn thầy cô giáo bị thương cũng đã bình phục, trở lại trường làm việc, tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 98%.

Cũng trong năm 2013, tại Sa Pa trận mưa tuyết lịch sử vào những ngày cuối năm đã làm sập mái nhà của sáu hộ dân, làm hỏng 3.100m2 nhà lưới trồng hoa phong lan, cà chua; làm chết hơn 200 con trâu, bò ở 16/17 xã, thị trấn. Đặc biệt, tuyết làm sập đổ giàn su su, giập nát 20ha rau vụ đông, 5ha cây dược liệu Atisô, hư hỏng hơn 20.000 chậu hoa Tết... Tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 30 tỷ đồng.

Thế nhưng, giờ đây bước chân lên Sa Pa, thị trấn du lịch vẫn tươi mới với sắc đào, mai, lan... bừng nở trong giá rét. Mặc dù mưa tuyết và sương muối đã làm không ít gia đình ở Sa Pa điêu đứng vì hoa hồng cháy lá và chết rũ sau khi bị băng tuyết phủ kín nhiều ngày, nhưng thị trường hoa Tết vẫn sôi động. Giá bán không vì thế mà tăng nhiều so với các năm trước. Trong vụ hoa Tết này, toàn huyện có khoảng 2.500 chậu địa lan chuẩn bị tung ra thị trường.

Ở khu vực Thác Bạc, Ô Quý Hồ - thủ phủ của vùng su su Sa Pa, người dân đang tranh thủ xới xáo đất, bón phân kali quanh gốc cũ để kích thích su su nảy mầm tái sinh cho vụ tới. Đối với diện tích su su già cỗi thì tiến hành trồng lại.

Ông Trần Văn Vân (tổ 11 thị trấn Sa Pa) có khoảng 4ha su su bị sập giàn, cho biết tính ra phải tốn gần trăm triệu đồng để làm lại giàn bằng bêtông, dây thép. Nhưng bây giờ khắc phục nhanh bằng cách mua cây chống gỗ và sào trúc, tre, nứa để bắc lại giàn; vừa nhanh, vừa tiết kiệm tiền để kịp cho vụ su su ngoài Tết.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đồng ý hỗ trợ các nhà vườn ở tiểu khu Ô Quý Hồ thuộc huyện Sa Pa có diện tích su su bị sập giàn và hư hỏng trong đợt mưa tuyết vừa qua với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.

Với sự nỗ lực, chung tay xây dựng của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Lào Cai, một mùa Xuân mang sức sống mới đang về với những bản làng sau thiên tai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục