Chỉ số lạm phát trong tháng Chín của Lào ở mức 25,7%, thấp nhất trong 12 tháng qua và giảm đáng kể so với mức đỉnh 41,26% hồi tháng Hai, nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao.
Theo Trung tâm Thống kê Quốc gia Lào, mức tăng nói trên thấp hơn so với mức 25,9% trong tháng Tám.
Trong số đó, các nhóm hàng ghi nhận mức lạm phát cao gồm lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tăng 34,4%; nhóm may mặc và giày dép tăng 29,7%; nhóm lương thực và đồ uống không cồn tăng 29,4%; nhóm đồ gia dụng tăng 24,3%; rượu bia và thuốc lá tăng 23,4%; nhóm chăm sóc sức khỏe và dược phẩm tăng 21,1%; giao thông vận tải tăng 20,7%.
[Những thách thức kinh tế và tài chính mà Lào đang phải đối mặt]
So với tháng Tám, các nhóm hàng tiêu dùng ghi nhận mức tăng bình quân 3,5%, trong đó nhóm giao thông vận tải tăng 5,6%, giáo dục tăng 5,9%, nhóm chăm sóc sức khỏe tăng 4,8%.
Nguyên nhân chính khiến giá cả hàng hóa vẫn còn ở mức cao là do ngành sản xuất nội địa yếu, giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng cao, đồng kip mất giá so với các đồng ngoại tệ khác như USD và đồng baht Thái Lan.
Trong một nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế tài chính ở nước này, tại Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cũng đã đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề lạm phát, tỷ giá hối đoái, giá cả hàng hóa, nhất là tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp giá cả đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, quản lý tỷ giá hối đoái.
Theo ông Sonexay Siphandone, Lào cần tiếp tục nâng cao vai trò của ngành ngân hàng; triển khai các biện pháp thực hiện chính sách tín dụng để kích thích sản xuất; đề nghị các bộ, ngành phải tiếp tục thúc đẩy, theo dõi tiến độ các dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép, tạo nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước; thúc đẩy các dự án mở tài khoản để thanh toán qua hệ thống ngân hàng./.