Thực trạng nền kinh tế Lào và vai trò quan trọng của Trung Quốc

Khoảng 2/3 các khoản nợ của Lào được nắm giữ bởi các chủ nợ nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc - nhà tài trợ chính của Lào.
Thực trạng nền kinh tế Lào và vai trò quan trọng của Trung Quốc ảnh 1Một khu chợ đêm ở Lào. (Nguồn: Hotels)

Trang tin NNZ của Thụy Sỹ đăng bài viết với tựa đề “Lào đang nợ nần chồng chất và gánh chịu hậu quả của đại dịch. Nước này trông chờ điều gì ở Trung Quốc?”

Nội dung bài viết như sau:

Lào đang vật lộn với hậu quả của đại dịch. Thời điểm 10 giờ sáng tại thủ đô Vientiane, trung tâm mua sắm hiện đại nhất của thành phố vẫn rực rỡ ánh đèn. Hàng hóa hấp dẫn được bày bán. Thương hiệu Trung Quốc chiếm ưu thế. Các gian hàng của các tập đoàn điện tử và viễn thông Haier, Huawei và Xiaomi có mặt ở cả ba tầng của tòa nhà.

Thế nhưng, hầu như không có bất kỳ khách hàng nào. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa chớp. Bầu không khí hoang vắng. Tình hình kinh tế Lào đang rất khó khăn.

Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này vẫn có thể hy vọng vào chút ánh sáng cuối đường hầm.

Người Trung Quốc đang trở lại

Cửa hàng quần áo HHLL Store của bà Nou trên tầng hai của trung tâm thương mại đã mở cửa. Hàng chất đầy trên kệ. Các giá treo quần áo tràn ngập. Logo của Adidas, Gap hoặc Nike được in nổi trên áo. Chỉ có một số mặt hàng thủ công có xuất xứ từ Lào.

[Lãnh đạo Lào, Trung Quốc cam kết tăng cường quan hệ song phương]

Bà chủ Nou đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn kể từ khi đại dịch bùng phát và sự vắng bóng của du khách Trung Quốc.

Vào năm 2019, 1 triệu người Trung Quốc đã đến Lào và mỗi người chi tiêu trung bình 80 USD/ngày ở đó. Đại dịch xảy ra khiến nguồn thu này không còn.

Và bây giờ, sau những năm khó khăn, hy vọng đang quay trở lại, bởi vì với việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với người Trung Quốc, nhiều du khách từ quốc gia láng giềng phía Bắc có thể sẽ quay lại Lào.

Lào là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không giáp biển. Với những ngọn núi, thảm thực vật tươi tốt và những con người nhiệt tình, đây là một điểm đến hấp dẫn cho kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Lào là một trong những nước nghèo của châu Á. Lào hầu như không có ngành công nghiệp nào.

Trong khi đó, nông nghiệp manh mún, kém hiệu quả. 64% dân số Lào làm việc trong lĩnh vực này, nhưng chỉ tạo ra được 16% sản lượng kinh tế. Gạo phải nhập khẩu từ các nước láng giềng.

Tình trạng nghèo đói ở Lào là kết quả của chính sách kinh tế kém hiệu quả. Những đổi mới ở đất nước này đã xuất hiện sau khi bước sang thiên niên kỷ mới.

Chính phủ Lào đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc và Thái Lan. 80% các khoản đầu tư đổ vào khai thác mỏ và thủy điện.

Chính phủ Lào đang theo đuổi mục tiêu đưa đất nước mình trở thành “nhà xuất khẩu năng lượng của Đông Nam Á” nhờ có sông Mekong và nhiều phụ lưu.

Các dự báo đầy hy vọng với xuất khẩu điện có thể mang lại cho Lào nguồn thu ngoại tệ lên tới 2,6 tỷ USD một năm.

Trung Quốc là người cho vay chính

Các khoản đầu tư đã mang lại kết quả. Thời điểm trước đại dịch, sản lượng kinh tế của Lào tăng nhờ các dự án xây dựng và tỷ lệ nghèo giảm. 20 năm trước, 25% người Lào sống với mức dưới 2,15 USD/ngày, nay chỉ có 7% sống dưới mức nghèo khổ.

Tuy nhiên, Lào phải trả giá đắt cho các khoản đầu tư. Nợ công tăng mạnh và hiện ở mức kỷ lục tại Đông Nam Á.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khoản nợ của Lào có thể tương đương hơn 100% GDP của đất nước vào cuối năm 2022. Giá trị đã tăng khoảng 30 điểm phần trăm trong vòng 2 năm.

Khoảng 2/3 các khoản nợ được nắm giữ bởi các chủ nợ nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc - nhà tài trợ chính của Lào.

Tiền tệ mất giá

Sự khó khăn về kinh tế kèm theo nợ nần có thể khiến nền kinh tế Lào sụp đổ. Do mức nợ cao, tiền kip của Lào đã mất giá rất nhiều so với đồng USD. 2 năm trước, 8.500 kip đổi được 1 USD, bây giờ là hơn 17.000 kip cho 1 USD. Đồng tiền của Lào cũng đã yếu đi đáng kể so với đồng baht của Thái Lan.

Với việc Lào phải nhập khẩu nhiều hàng hóa, giá các mặt hàng gia dụng và thực phẩm cũng tăng mạnh do đồng kip yếu. Giá nhiên liệu tăng cao sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Theo số liệu chính thức, lạm phát của Lào trong tháng 11/2022 đã tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Giá thực phẩm tại các chợ ở Vientiane đã tăng gần gấp đôi trong những tháng gần đây.

Doanh nhân Nou bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm giá trị của đồng kip. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng y tế, bà Nou có thể mua 10 chiếc quần với giá 1 triệu kip.

Bây giờ với số tiền này, bà chỉ mua được 5 chiếc. Chi phí kinh doanh tại Lào cũng tăng lên rất nhiều: Tiền thuê nhà được tính theo tỷ giá USD và đã tăng gấp đôi trong vòng một năm.

Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, song đường phố Lào vẫn "yên tĩnh." Sự ra đi của Thủ tướng Phankham Viphavanh cho thấy mức độ lo lắng của Chính phủ Lào.

Ông tuyên bố từ chức vào ngày 30/12 mặc dù mới chỉ tại vị được 2 năm - ngắn hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào.

Người kế vị của ông, Sonexay Siphandone, giờ đây sẽ phải xoay sở để kiểm soát các vấn đề kinh tế.

Mỹ và EU "vắng mặt"

Lào sẽ hy vọng vào những khách du lịch Trung Quốc, những người đang được hưởng lợi từ đồng kip yếu.

Trung Quốc, với tư cách là người cho vay hàng đầu của Lào, đã cho phép nước này hoãn trả nợ vào năm 2020 và 2021.

Ý định của Bắc Kinh rất rõ ràng: Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm đến việc Lào phục hồi kinh tế và cả hai nước đều được hưởng lợi từ dự án hàng đầu như một phần của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Vào tháng 12/2021, một tuyến đường sắt dài 414 km đã được khai trương giữa thị trấn biên giới Trung-Lào Boten và thủ đô Vientiane.

Đây là tuyến đường sắt đầu tiên của dự án BRI do Trung Quốc đồng tài trợ và xây dựng, giúp một quốc gia Đông Nam Á tiếp cận mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc.

Dự án ở Lào đã bị phương Tây chỉ trích gay gắt. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hoài nghi về các dự án như vậy vì ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Họ cũng cáo buộc Bắc Kinh muốn can thiệp chính trị vào các quốc gia đó. Trung Quốc không quan tâm đến những cáo buộc như vậy. Quốc gia này cũng đầu tư vào đó để tạo ra lợi nhuận và do đó tuân theo logic kinh tế.

Quy hoạch các tuyến đường sắt mới

Việc xây dựng các tuyến đường sắt mở ra triển vọng mới cho Lào. Trong ngày, hành khách có thể đi đến phía Nam Vientiane hoặc thị trấn biên giới phía Bắc và đến Luang Prabang, một điểm du lịch nổi tiếng. Vào ban đêm, tuyến đường được dành cho lưu thông hàng hóa.

Tuy nhiên, chỉ các dự án đơn lẽ sẽ không cải thiện được tình hình kinh tế ở Lào, mà phải tạo ra một sự kết nối. Bây giờ nó phụ thuộc vào Chính phủ Lào, nhưng Lào hiện vẫn phải dựa vào quốc gia láng giềng phía Bắc ngay cả khi không muốn.

Cho đến nay, Lào đã thất bại hoàn toàn khi thúc đẩy cải cách kinh tế hoặc bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nhà ga xe lửa.

Trong mọi trường hợp, Lào không thể tự mình quản lý dự án. Chỉ có Trung Quốc vẫn là một đối tác chính.

Mặt khác, EU và Mỹ không sẵn lòng hoặc không thể giúp đỡ các quốc gia như Lào với các dự án như vậy.

Nhờ có tuyến đường sắt dài 555km giữa Vientiane và cảng nước sâu Vũng Áng của Việt Nam, nền kinh tế Lào có thể tiếp cận với biển. Và cuối cùng, đến năm 2028 sẽ có một tuyến đường sắt giữa Vientiane và Bangkok.

Do đó, Lào có thể tiến gần hơn đến các cảng và trở thành địa điểm đầu tư cho các công ty quốc tế do lao động giá rẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục