Ngày 12/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo xây dựng tư liệu tập huấn kỹ năng tham gia đánh giá thực thi công ước và các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương.
Theo các đại biểu, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) năm 2009. Trong bốn năm qua, Việt Nam đã chủ động tích cực, triển khai thực hiện Công ước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên trong chu trình đánh giá thứ nhất đối với chương III (Hình sự hóa và thực thi pháp luật) và chương IV (Hợp tác quốc tế) trên cả hai cương vị là quốc gia được đánh giá và quốc gia tham gia đánh giá đối với quốc gia thành viên khác.
Việt Nam đã hoàn thành báo cáo đánh giá quốc gia về thực thi Công ước (2011-2012), đáp ứng yêu cầu về thời gian và nội dung theo quy định của cơ chế đánh giá; tham gia tích cực vào việc đánh giá thực thi Công ước đối với Cộng hòa Áo (2012-2013).
Các hoạt động của Việt Nam được nhóm đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đánh giá cao. Theo đó, khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được xây dựng khá hoàn thiện, cơ bản đáp ứng các yêu cầu bắt buộc nêu trong Công ước. Tuy nhiên việc thực thi pháp luật chưa cao; chỉ số cảm nhận tham nhũng vẫn còn ở mức khiêm tốn (31/100 điểm, đứng sau sáu quốc gia khu vực Đông Nam Á).
Theo kết quả bốc thăm, năm 2014, Việt Nam sẽ thực hiện việc kiểm tra thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại hai quốc gia là Trung Quốc và Conggo.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho việc tự đánh giá về việc thực thi công ước trong chu trình thứ hai đối với chương II (Các biện pháp phòng ngừa) và chương V (Thu hồi tài sản). Chính vì vậy, việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn và tập huấn cho các chuyên gia là cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đặt ra trong việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Các đại biểu và thành viên trong nhóm đánh giá việc thực thi Công ước đã tập trung thảo luận về tổng quan các cơ chế đánh giá về phòng, chống tham nhũng; các kỹ năng cần thiết tham gia hiệu quả các hoạt động đánh giá.
Để tiếp tục công việc thực thi Công ước trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Công ước, cũng như tại các diễn đàn hợp tác đa phương khác có liên quan./.