Lập hồ sơ Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh

Việc lập hồ sơ Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được đề xuất trên cơ sở nhận định di tích này đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực của UNESCO.
Lập hồ sơ Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh ảnh 1Lễ trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh cho lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh và thị xã Đức Phổ. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hướng dẫn lập hồ sơ Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh để trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.

Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt tại Quyết định số 1649/QĐ-TTg, ngày 29/12/2022, gồm có 6 địa điểm: Thạnh Đức, Long Thạnh, Phú Khương, Quần thể di tích Champa, Đầm An Khê và đập An Khê sông Cửa Lỗ, với diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II là hơn 500ha.

Trên cơ sở nhận định Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới của UNESCO; đồng thời, để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản của văn hóa, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh.

[Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh]

Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh là người ta nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia, là nói đến những đồ trang sức bằng thủy tinh, bằng mã não rất độc đáo; những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò… Những đồ gốm này đều được trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo.

Từ khu mộ chum ở Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử và tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Hàng trăm di tích văn hóa Sa Huỳnh từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai; từ các cồn cát ven biển đến đảo Lý Sơn, lên vùng Trường Sơn hiểm trở, với hàng nghìn hiện vật được phát hiện và phục hồi...

Với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, Quảng Ngãi được xem là "cái nôi" của Văn hóa Sa Huỳnh.

Trong số đó, 3 Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh nằm liền kề nhau: địa điểm Di tích Long Thạnh khai quật các năm 1977, 1978, 2010; địa điểm di tích Phú Khương khai quật các năm 1923, 1959; địa điểm di tích Thạnh Đức phát hiện đầu tiên Văn hóa Sa Huỳnh năm 1909, khai quật các năm 1923, 1934. Hai địa điểm Long Thạnh và Phú Khương đã được Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia tại Quyết định số 3457/QĐ-BVHTT ngày 05/11/1997.

Lập hồ sơ Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh ảnh 2Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham quan các di vật khảo cổ học. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh dự kiến tiếp tục mở rộng thực hiện tại các điểm di tích khảo cổ đã được khai quật nghiên cứu khoanh vùng bảo vệ gồm địa điểm xóm Ốc, suối Chình (đảo Lý Sơn); khu vực miền núi có thôn Trà, thôn Trà Veo, Di Lăng (huyện Sơn Hà); địa điểm cư trú và mộ táng Bình Châu (huyện Bình Sơn).

Như vậy, Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới được mở rộng ở 4 khu vực: Sa Huỳnh (cửa biển)-Lý Sơn (hải đảo)-Bình Sơn (nghĩa địa tàu cổ)-Sơn Hà (thung lũng núi) có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hay nhân học, tạo nên diện mạo đa sắc về phức hệ sinh thái của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh đảm bảo tính toàn vẹn. Các di chỉ khảo cổ được nghiên cứu, bảo tồn với chất lượng rất tốt trong lòng đất, tình trạng Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh với không gian bao quanh nó còn gần như nguyên vẹn thể hiện sự đa dạng về môi trường cư trú của cư dân, sự giao lưu trao đổi với các văn hóa khảo cổ đồng đại trong khu vực.

Tính xác thực của Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được đảm bảo, ở các địa điểm khảo cổ còn giữ nguyên vẹn đặc điểm cấu tạo tầng văn hóa di chỉ cư trú, hình dáng các khu mộ táng của cư dân Sa Huỳnh. Các di tích, di vật phát hiện khai quật được bảo tồn theo phương pháp mới đã bảo quản nguyên khối cấu trúc mộ chum, hiện nay đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Lập hồ sơ Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh ảnh 3Mộ Chum. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đã dành nhiều tâm huyết, sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đồng thời cũng hết sức kỳ bí này.

Từ khi phát hiện đến nay, đã có 4 hội thảo khoa học về Văn hóa Sa Huỳnh đã được tổ chức vào các năm 1985, 1990, 1999, 2009. Các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học quốc tế đã không ngừng nỗ lực trong phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và đạt được những bước tiến đáng kể.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, việc xây dựng hồ sơ Di sản Văn hóa Thế giới là cơ hội và thách thức đối với tỉnh, đòi hỏi công tác tập trung nghiên cứu, tham vấn ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản.

Do đó, để có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thực hiện công tác lập hồ sơ Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hướng dẫn địa phương về quy trình, thủ tục, nội dung lập hồ sơ di tích, Di sản Văn hóa Thế giới theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục