Lễ cầu an online: Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong bối cảnh dịch bệnh

Rằm tháng Giêng sắp tới gần, nhiều người dân bắt đầu chuẩn bị lễ vật để lên chùa cầu an và thực hiện nghi lễ tại nhà. Năm nay, các cơ sở thờ tự tiếp tục tổ chức lễ cầu an online để phòng chống dịch.
Người dân đi lễ Phật đầu năm ở chùa Liên Phái, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Người dân đi lễ Phật đầu năm ở chùa Liên Phái, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Gần đến ngày Rằm tháng Giêng, đại đức Thích Đạo Tâm, trụ trì chùa Thần Quang (44 phố Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) bận rộn chuẩn bị cho các khóa lễ cầu an tại chùa, bố trí nhiều thông báo khuyến cáo Phật tử, nhân dân lễ chùa đảm bảo 5K.

"Lễ Tết quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng," quan niệm của người Việt từ xa xưa đã cho thấy vị trí quan trọng của ngày lễ này trong đời sống. Song, với tình hình dịch bệnh hiện nay, đại đức Thích Đạo Tâm hướng dẫn người dân nên vào lễ chùa theo từng nhóm nhỏ hoặc theo dõi các khóa lễ cầu an online để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Lễ cầu an online

Đại đức Thích Đạo Tâm cho hay kể từ năm 2020 khi dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhiều nghi lễ đã được giảm quy mô so với những năm trước. Theo hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, chùa Thần Quang tổ chức lễ cầu an đầu năm dưới hình thức online, phát trực tiếp trên mạng xã hội để đông đảo Phật tử có thể theo dõi tại nhà.

Lễ cầu an online: Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 1Đại đức Thích Đạo Tâm thực hiện nghi lễ phóng sinh. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, trụ trì chùa Thần Quang cũng thu nhỏ quy mô các khóa lễ, chẳng hạn trước đây mỗi khóa lễ có 200 người tham dự thì nay chỉ đón tiếp từng nhóm nhỏ 20-30 người để đảm bảo giãn cách.

[Lễ hội đầu năm mùa COVID: Làm gì để giữ an toàn cho mình và cộng đồng?]

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, rất tán thành cách làm này. Ông cho rằng đây là sự thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh.

“Với chủ trương này, các cơ sở thờ tự đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân, đảm bảo an toàn cho Phật tử, tạo tâm lý thoải mái hoan hỷ cho khách thập phương khi đầu năm được đến chùa cầu an, cầu phúc,” hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.

Lễ cầu an online: Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 2Người dân đi lễ tại Chùa Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào trong khuôn viên chùa. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn về việc tổ chức nghi lễ cầu an Tết Nhâm Dần đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 và các hoạt động mừng Xuân mới an vui.

Theo đó, các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân trong dịp Tết Nhâm Dần phải đảm bảo không tập trung đông người, nghi lễ trang nghiêm, thời gian phù hợp ngắn gọn, tiết kiệm.

“Giáo hội khuyến khích các chùa tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, các buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi với đồng bào Phật tử trong nước và Việt Kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến tinh thần lạc quan, sự bình an, giảm các tác động stress tâm lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian dài vừa qua,” hòa thượng cho hay.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông cho biết cầu an đầu năm là nghi lễ rất quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam cũng như tín đồ Phật giáo. Do đó, Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) hay Tết Thượng nguyên là dịp quan trọng thứ hai sau Tết cả (Tết Nguyên đán). Ngoài việc đến chùa cầu an, người dân còn thực hiện nghi lễ tại nhà.

Tích cực hành thiện

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hướng dẫn các chùa tụng kinh Dược sư là bản kinh cầu quốc thái dân an, đời sống ấm no hạnh phúc, người dân cũng có thể tụng kinh này tại nhà hoặc bất cứ bản kinh Phật nào cũng được.

Về lễ vật dâng cúng tổ tiên…, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng người dân thường lấy lễ để thể hiện lòng thành kính, thật ra điều này là không cần thiết, chỉ cần sửa soạn ban thờ sạch sẽ, bày biện sao cho trang nghiêm, thanh tịnh.

“Lễ vật không nên rườm rà mà ảnh hưởng đến tài chính, sinh hoạt gia đình. Theo tôi, chỉ cần có ngọn đèn cho sáng, nén nhang cho thơm, bông hoa cho ngát, làm sao nhìn vào ban thờ chúng ta thấy thanh thản, an vui là được,” hòa thượng chia sẻ.

Lễ cầu an online: Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 3Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, thủ nhang Nguyên Khiết Linh Từ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, thủ nhang Nguyên Khiết Linh Từ (102 Hàng Bạc, Hà Nội) cho rằng nghi lễ cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải vào ngày 15 Âm lịch mà có thể cúng vào các ngày chẵn trước đó, sao cho phù hợp với công việc và hoàn cảnh của gia chủ. Lễ vật thường bao gồm 6 thứ: Hương, hoa, đăng (đèn, nến), trà, quả, thực (mâm cơm chay hoặc mặn). Người dân có thể dâng lễ và cầu nguyện vị thần mà mình thờ phụng.

Đầu năm, người dân cũng thường phóng sinh để cầu an. Ông Hùng chỉ ra thực tế rằng nhiều người thường đặt mua chim, cá để phóng sinh: “Ví dụ khi có người đặt mua 100 con chim để phóng sinh, người ta sẽ đi bẫy chim và trong quá trình đó, sẽ có nhiều con chim bị chết. Như vậy là sai hoàn toàn ý nghĩa của việc phóng sinh là để tránh sát hại động vật, bảo vệ môi trường.”

Ông gợi ý mọi người thực hiện phóng sinh bằng cách ra chợ, mua lại các con vật sống, thả về nơi sinh trưởng của chúng.

Ngoài ra, bên cạnh việc cúng lễ thì mọi người cần có các hành động thiết thực như làm từ thiện, tu sửa bản thân. Ông cho rằng một người thường xuyên cầu phúc mà làm việc phi pháp, bất hiếu với cha mẹ thì thờ cúng cũng vô ích.

Mỗi người có thể làm việc tốt bằng những cách thức đơn giản và thiết thực như hiến máu, nói những lời khích lệ, tán dương nhau, tặng nhau những nụ cười chân thành cũng là một cách hành thiện, cầu phúc đầu năm./.

Tiến sỹ Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cho biết Tết Nguyên tiêu có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, tín ngưỡng bởi tháng Giêng là tháng những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu. Tùy phong tục, tôn giáo của từng gia đình, từng vùng miền mà có nơi cúng chay, có nhà cúng mặn. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh, xào...

Từ trước Tết, Ban Tôn giáo thành phố đã có công văn yêu cầu các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng tổ chức các hoạt động với quy mô nhỏ, thời gian ngắn và hạn chế số người tham dự, thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác phòng dịch, khuyến khích các tín đồ, Phật tử tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bằng hình thức trực tuyến, cầu nguyện online tại gia đình.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục