Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9: Tôi yêu áo dài Việt Nam

Với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam," Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9 năm 2023 có những hoạt động nổi bật như Chương trình nghệ thuật về áo dài, diễu hành với áo dài, triển lãm hình ảnh áo dài theo chủ đề.
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9: Tôi yêu áo dài Việt Nam ảnh 1Đại biểu tham gia Chương trình diễu hành Áo dài bằng xe đạp qua các tuyến phố năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam," Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023 có những hoạt động nổi bật như chương trình nghệ thuật về áo dài, diễu hành với áo dài, triển lãm hình ảnh áo dài theo chủ đề.

Tại buổi họp báo công bố thông tin Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023 do Sở Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, ngày 23/2, Ban Tổ chức cho biết Lễ hội sẽ diễn ra trong tháng Ba với đa dạng hoạt động dành cho người dân và du khách.

Ban tổ chức sẽ thực hiện con đường nghệ thuật áo dài tại Công viên Lam Sơn và quảng trường trước Nhà hát thành phố; tổ chức các cuộc thi áo dài với hình thức trực tiếp và trực tuyến; biểu diễn nhiều loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Lễ hội năm nay còn có tọa đàm "Nét đẹp áo dài Việt-Bảo tồn và phát triển" kết hợp sự kiện trang trí Áo dài.

Đặc biệt, tọa đàm này dành cho nữ Tổng lãnh sự, phu nhân Tổng lãnh sự và cán bộ đang công tác tại cơ quan ngoại giao, Hội hữu nghị và tổ chức phi chính phủ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

[Khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh: Chiêm ngưỡng 15 bộ sưu tập]

Nhằm góp phần quảng bá hình ảnh thành phố "Điểm đến an toàn-Hành trình sống động,” tại nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, điểm đến du lịch, công trình kiến trúc... sẽ đồng loạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023.

Lễ hội năm nay có sự đồng hành của nhiều văn nghệ sỹ với vai trò đại sứ hình ảnh như nghệ sỹ Phi Điểu, Trịnh Kim Chi, Hoa hậu H’Hen Niê, MC Quỳnh Hoa, Travel blogger - nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử), Tiến sỹ tâm lý Lý Thị Mai… và gia đình nghệ sỹ Tuyết Mai, nghệ sỹ Ưu tú Đinh Linh và nghệ sỹ sáo trúc Nhật Minh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, cho biết dự kiến có 24 nhà thiết kế giới thiệu những bộ sưu tập Áo dài mới như nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Liên Hương, Trisha Võ, Việt Hùng, Nguyễn Đức Huy, nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo đang sinh sống tại Singapore... Đồng thời, hàng chục bộ sưu tập với hàng trăm mẫu thiết kế Áo dài mới sẽ được giới thiệu tại lễ khai mạc.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, ý tưởng các bộ sưu tập áo dài năm nay gắn với du lịch, cụ thể hướng đến du lịch trên sông Sài Gòn. Mỗi nhà thiết kế kể một câu chuyện theo phong cách riêng của họ, mang đặc trưng của du lịch sông Sài Gòn nhưng vẫn có tính thời trang.

Nếu như người Nhật tự hào với kimono, người Hàn Quốc nổi tiếng với hanbok, người Việt Nam luôn được biết đến với hình ảnh chiếc áo dài duyên dáng và thướt tha.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nếu hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là chỉ dấu quan trọng để phân biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thì áo dài là một biểu tượng rõ ràng và cụ thể nhất về bản sắc văn hóa Việt.

Bởi vì khi nhìn thấy kimono ta sẽ liên tưởng tới Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Hoa, sari của Ấn Độ và áo dài là hình tượng về người phụ nữ Việt Nam.

Có thể nói, áo dài với vẻ đẹp mang nữ tính điển hình đang là phương tiện quan trọng để quảng bá hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới.

Nhìn về tổng thể, chiếc áo dài Việt Nam phô mà vẫn kín, kín mà lại hở, đầy tự do, khoáng đạt, nhưng vẫn đảm bảo sự thanh cao, lịch lãm, đồng thời cũng rất tiện lợi, năng động, dễ sử dụng mà vẫn giữ được sự trang nhã, sang trọng cần thiết. Do vậy, áo dài dễ dàng được phổ cập rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, có thể sử dụng trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau.

Khác với kimono, hanbok chỉ có thể xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội, sự kiện trang trọng, áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.

Bên cạnh những bản sắc chung, áo dài Việt Nam cũng mang những sắc thái riêng, thể hiện tính vùng miền rất rõ. Chẳng hạn, ở miền Nam, khí hậu quanh năm nóng nực, áo dài Nam Bộ thường được lược bỏ bớt cổ cao, thành cổ rộng, tay áo không dài mà lửng hoặc cộc tay.

Phụ nữ miền Nam ưa thích màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, có đính kim sa, cườm, kim tuyến, phụ kiện...

Trong khi đó, phụ nữ miền Trung, đặc biệt là xứ Huế, do ảnh hưởng của môi trường gia giáo, không khí trầm mặc vùng đất cố đô, nên có phần ưa chuộng các tông màu trầm, dịu nhẹ, nhất là màu tím Huế đã trở thành thương hiệu.

Phụ nữ miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, thường chọn màu sắc và kiểu dáng không quá phô trương mà thiên về trang nhã, thanh lịch, nhẹ nhàng. Miền Bắc có mùa Đông nên cổ áo thường cao, tay áo dài, tạo độ thướt tha cho chiếc áo truyền thống.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu, chiếc áo dài Việt Nam đã nhiều biến đổi, cải tiến, nâng cấp cả về chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, họa tiết... để ngày càng trở nên gợi cảm, tinh tế và cuốn hút hơn.

Dù kinh qua rất nhiều chặng đường khác nhau trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa Đông-Tây, chiếc áo dài vẫn luôn giữ được những nét bản sắc riêng.

Áo dài tôn lên vóc dáng và vẻ yêu kiều, hấp dẫn của người phụ nữ Việt Nam: gợi cảm nhưng kín đáo, nhẹ nhàng nhưng có sức hút mạnh mẽ.

Chính sự kết hợp vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa chuẩn mực vừa phá cách đã làm chiếc áo dài Việt Nam đạt được vị trí đặc biệt trên các sàn diễn thời trang thế giới. Áo dài vẫn sẽ mãi là tâm hồn, văn hóa, tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục