Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Khẳng định vị thế càphê Việt Nam

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với chủ đề “Đắk Lắk - Điểm đến của càphê thế giới”, diễn ra từ ngày 10-14/3/2023 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế càphê Việt Nam.
Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Khẳng định vị thế càphê Việt Nam ảnh 1Một vườn càphê tại tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Vietnam+)

Sau hai lần bị hoãn tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột - Lễ hội cấp quốc gia sẽ tái khởi động vào năm 2023.

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 nhằm quảng bá thương hiệu Càphê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của càphê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế càphê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mở rộng quy mô tổ chức lễ hội càphê

Theo Đề án tổ chức Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, lễ hội sẽ được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh từ ngày 10-14/3/2023 với chủ đề “Đắk Lắk - Điểm đến của càphê thế giới.”

Các hoạt động chính của lễ hội gồm lễ khai mạc, hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk, hội chợ triển lãm chuyên ngành càphê, hội thảo phát triển càphê, hội nghị kết nối giao thương quốc tế.

Bên cạnh đó còn có triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa càphê Việt Nam” và “Lịch sử càphê thế giới,” triển lãm trưng bày và Hội thi sinh vật cảnh Đắk Lắk.

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Khẳng định vị thế càphê Việt Nam ảnh 2(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột còn có các hoạt động như lễ hội đường phố, hội thi nhà nông đua tài, cuộc thi pha chế càphê đặc sản, lễ hội ánh sáng, ngày hội càphê miễn phí, hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây càphê, Cuộc thi video clip về càphê Buôn Ma Thuột, chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ngoài ra, trong những ngày diễn ra lễ hội, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn có một số hoạt động như hội voi Buôn Đôn, hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk, biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn,” ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ 2.

Tỉnh Đắk Lắk được mệnh danh là “Thủ phủ Càphê của Việt Nam,” có diện tích trồng lớn nhất cả nước với khoảng 210.000ha, sản lượng càphê hàng năm đạt hơn 520.000 tấn.

[Đề nghị không tổ chức Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột vào tháng 3 năm 2022]

Càphê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Qua 7 lần tổ chức, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành càphê Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ đồng ý dừng tổ chức hai lần vào năm 2021, năm 2022 và chuyển sang tổ chức vào năm 2023.

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 nhằm quảng bá thương hiệu Càphê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của càphê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế càphê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đồng thời, lễ hội nhằm tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh càphê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa càphê. Qua lễ hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk còn giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết tỉnh xác định tổ chức Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 chu đáo, hiện đại, quy mô hơn những lần tổ chức trước và chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về lễ hội.

Mỗi người dân địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn là một đại sứ truyền thông, đồng thời là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi thông qua các hoạt động quảng bá, truyền thông lễ hội.

Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tổ chức cuộc thi video clip giới thiệu về càphê Buôn Ma Thuột nhằm lựa chọn video clip xuất sắc nhất để sử dụng trong lễ hội và trong các chương trình quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột.

Khẳng định vị thế đặc sản càphê Việt Nam

Theo Đề án phát triển càphê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 do Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn phê duyệt, càphê đặc sản được định hướng phát triển tại 8 tỉnh gồm Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị với tổng diện tích gần 19.000ha.

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Khẳng định vị thế càphê Việt Nam ảnh 3Phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Giai đoạn 2021-2025, sẽ hình thành cơ chế chính sách, thương hiệu càphê đặc sản Việt Nam. Ban hành các quy trình sản xuất càphê đặc sản Việt Nam; diện tích 11.500 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn. Giai đoạn 2026-2030, hoàn thiện cơ chế chính sách, thương hiệu càphê đặc sản Việt Nam; diện tích 19.000ha, sản lượng khoảng 11.000 tấn.

Mục tiêu của đề án là phát triển càphê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu càphê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về càphê đặc sản Việt Nam. Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống; xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm càphê đặc sản; chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan nghiên cứu càphê.

Bộ nghiên cứu chọn tạo giống và xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản và chế biến càphê đặc sản; ứng dụng vào sản xuất quy trình canh tác, thu hái (đạt độ chín 100%), sơ chế, bảo quản đảm bảo chất lượng càphê đặc sản Việt Nam; đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hoá trong chế biến; chế biến sâu sản phẩm, tăng thị phần càphê rang xay (chủ yếu tiêu dùng nội địa) và càphê hòa tan công nghệ hiện đại (sấy lạnh).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tổ chức đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người trồng càphê đặc sản; tập huấn về sơ chế, bảo quản, chế biến sâu, pha chế cho người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã càphê đặc sản; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về chọn tạo giống, xây dựng quy trình thâm canh, bảo quản, chế biến càphê đặc sản; đào tạo đội ngũ thử nếm càphê đạt tiêu chuẩn thế giới.

Tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ càphê đặc sản. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản phục vụ thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm càphê đặc sản thông qua chương trình xúc tiến thương mại.

Các cuộc thi càphê đặc sản Việt Nam cũng sẽ được tổ chức hàng năm với quy mô toàn quốc, từng bước mở rộng ra khu vực và thế giới, tạo sân chơi cho chuỗi giá trị càphê đặc sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục