Ngày 2/5, quy chế miễn trừ kéo dài 180 ngày mà chính quyền Washington đưa ra với những khách hàng mua dầu mỏ của Iran đã chính thức hết hiệu lực.
Theo các chuyên gia, ý định của Mỹ nhằm giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ của Cộng hòa Hồi giáo Iran hoàn toàn có thể phản tác dụng ở ngay trong nước cũng như nước ngoài.
Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Tương lai Iran thuộc Hội đồng Đại Tây Dương Barbara Slavin đã gọi quyết định của Mỹ là "phản tác dụng" bởi "nó sẽ không đưa Iran trở lại bàn đàm phán và sẽ không thay đổi đáng kể lập trường của Iran về khu vực."
[Mỹ chính thức chấm dứt miễn trừ trừng phạt nhập khẩu dầu Iran]
Theo chuyên gia này, trước thái độ thù địch của Washington, Tehran có thể đáp trả bằng cách gây khó khăn hơn cho Washington trong việc đạt một thỏa thuận hòa bình với phiến quân Taliban ở Afghanistan, cũng như quốc gia Hồi giáo này có thể gây sức ép buộc Iraq trục xuất các binh sỹ Mỹ hay khiến tình hình tại Yemen thậm chí trở nên tồi tệ hơn.
Sau quyết định của Tổng thống Donald Trump, mặc dù Nhà Trắng nhiều lần trấn an rằng Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ hợp tác để bù đắp cho những thiếu hụt của Iran trên thị trường thế giới, song Washington vẫn có thể đối mặt với cuộc chiến gian nan nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.
Trong vài tuần tới, Saudi Arabia sẽ phối hợp với một số nước sản xuất dầu mỏ khác nhằm đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tình hình bất ổn đang diễn ra tại Venezuela và Libya, 2 nước sản xuất dầu lớn, giá dầu mỏ thế giới khó có thể giảm trong tương lai gần.
Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo cũng vừa cho biết tổ chức này nhất định phải tránh một "cuộc khủng hoảng năng lượng" toàn cầu, trong bối cảnh một số quốc gia thành viên đang đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế còn một số khác lại chật vật với sự bất ổn trong nước.
Phát biểu bên lề một triển lãm dầu mỏ và khí đốt tại thủ đô Tehran của Iran, ông Mohammed Barkindo nêu rõ: "Là một tổ chức, chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào mục tiêu tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng mà có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu."
Theo người đứng đầu OPEC, tổ chức sẽ theo đuổi chính sách này "bất chấp những bất ổn hiện tại ở các quốc gia thành viên."
Trong khi đó tại Nhật Bản, Bộ trưởng Công nghiệp Hiroshige Seko cho biết quan hệ giữa Tokyo với Tehran rất quan trọng và "đất nước Mặt Trời mọc" sẽ tìm cách tránh để quyết định của Mỹ gây hại cho việc cung cấp năng lượng của nước này./.