Lệnh hạn chế của Israel khiến kinh tế Palestine đối mặt với rủi ro

Trong báo cáo tiêu đề "Chạy đua với thời gian," Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nền kinh tế Palestine đang hoạt động dưới mức tiềm năng với thu nhập bình quân đầu người dự kiến không thay đổi.
Lệnh hạn chế của Israel khiến kinh tế Palestine đối mặt với rủi ro ảnh 1Người lao động Palestine vượt qua hàng rào để vào Israel gần Trạm kiểm soát Mitar, phía Nam Hebron, ngày 17/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết lệnh hạn chế của Israel cũng như những khó khăn tài chính ngày càng gia tăng ở các vùng lãnh thổ Palestine đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện kinh tế của người Palestine và cản trở họ tiếp cận kịp thời với dịch vụ y tế.

Trong báo cáo tiêu đề "Chạy đua với thời gian," WB đánh giá nền kinh tế Palestine đang hoạt động dưới mức tiềm năng với thu nhập bình quân đầu người dự kiến không thay đổi.

Theo WB, tình trạng nghèo đói ở các vùng lãnh thổ của Palestine đang gia tăng, với 25% người Palestine sống dưới mức nghèo.

Báo cáo nêu rõ các hạn chế Israel áp đặt đối với việc đi lại và hoạt động thương mại ở Khu Bờ Tây bị chiếm đóng, lệnh phong tỏa đối với Dải Gaza và sự chia cắt giữa hai vùng lãnh thổ của Palestine nằm trong số những yếu tố khiến nền kinh tế Palestine đối mặt với rủi ro cao.

Giám đốc WB tại Bờ Tây và Dải Gaza, ông Stefan Emblad nhận định: “Khó khăn tài chính đè nặng lên hệ thống y tế của người Palestine, đặc biệt là khả năng đối phó với gánh nặng ngày càng tăng từ các bệnh không lây nhiễm." Ông nhấn mạnh các hạn chế trong đó có "chế độ cấp phép kéo dài và quan liêu" thường gây khó khăn cho người Palestine trong việc tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời.

Theo ông Emblad, việc tiếp cận các dịch vụ y tế bên ngoài để điều trị bệnh ung thư, bệnh tim, các điều kiện chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng đáng kể do các hạn chế về thủ tục hành chính.

[Palestine yêu cầu Israel dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu hàng qua cửa khẩu]

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Dải Gaza, nơi năng lực hệ thống y tế hạn chế hơn và bệnh nhân phải vật lộn để nhận được giấy phép xuất cảnh y tế cần thiết kịp thời. Các số liệu nghiên cứu cho thấy việc Dải Gaza gần như bị phong tỏa đã có tác động đến tỷ lệ tử vong, khi một số bệnh nhân không thể qua khỏi sau thời gian chờ cấp phép.

Hằng năm, hàng nghìn người Palestine từ Bờ Tây và Dải Gaza đã đến Israel để chữa bệnh, điều không thể thực hiện được ở các vùng lãnh thổ nghèo khó của người Palestine.

Theo COGAT - Cơ quan của Bộ Quốc phòng Israel chuyên Giám sát các Vấn đề Dân sự ở vùng lãnh thổ Palestine, năm 2022, Israel đã cấp giấy phép nhập cảnh cho hơn 110.000 lượt đăng ký khám chữa bệnh của cư dân Bờ Tây và 17.000 lượt cho cư dân Dải Gaza.

Bên cạnh đó, lệnh phong tỏa do Israel áp đặt từ năm 2007 cũng đã cản trở nguồn cung y tế đến khu vực này.

WB kêu gọi chính quyền Israel và Palestine quản lý tốt hơn các trường hợp người bệnh cần điều trị kịp thời, giảm bớt thủ tục cấp phép cho bệnh nhân và người chăm sóc họ. Ông Emblad nhấn mạnh nền kinh tế Palestine nói chung đã trì trệ trong 5 năm qua và không có kỳ vọng được cải thiện trừ khi các chính sách thay đổi theo thực tế.

Israel đã chiếm Bờ Tây trong cuộc chiến năm 1967. Khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng hiện là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người Palestine trong khi Dải Gaza có 2,3 triệu người sinh sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục