Leo thang căng thẳng, Tehran chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với Mỹ

Giới lãnh đạo ở Tehran tin rằng việc kéo dài tình hình hiện nay sẽ có lợi cho Iran và do đó nước này có ý định leo thang căng thẳng hơn nữa.
Leo thang căng thẳng, Tehran chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với Mỹ ảnh 1(Nguồn: AAP)

Theo mạng tin thenational.ae, sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh, căng thẳng giữa hai nước leo thang hơn nữa trong tuần vừa qua khi những nhà hoạch định chính sách ở Tehran tiếp tục cho rằng tình hình hiện nay có lợi cho họ, và cảm thấy vui mừng trước sự hốt hoảng của châu Âu và Cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA).

Về phần mình, chính quyền Mỹ đã áp dụng "sự kiên nhẫn chiến lược," hài lòng với chính sách "bóp nghẹt" Iran về kinh tế để buộc nước này phải đàm phán một thỏa thuận mới bao gồm chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Iran và có thể là cả chủ nghĩa bành trướng khu vực và việc cải tổ chế độ của Iran.

Cả Mỹ và Iran đều muốn có một thỏa thuận, nhưng những điều kiện mà hai bên đưa ra lại trái ngược nhau, và cả hai đều đang chuẩn bị cho bước tiếp theo trong bối cảnh họ đang tiến gần hơn tới một cuộc đối đầu quân sự.

Washington hiện đang trong tiến trình thành lập một liên minh hải quân mà theo ông Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, sẽ có thể sẵn sàng hành động chỉ trong vòng 15 ngày với mục tiêu bảo vệ việc đi lại trên eo biển Hormuz và eo biển Bab al Mandeb. Trong khi đó, Mỹ và Anh đang cáo buộc Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ và các tàu chở dầu ở vùng Vịnh, và cho tới nay London đã triển khai 2 tàu chiến của Anh tới khu vực.

Để phản ứng lại việc thành lập liên minh hải quân do Mỹ đứng đầu này, Iran đã yêu cầu tất cả các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Trung Đông. Giới lãnh đạo ở Tehran tin rằng việc kéo dài tình hình hiện nay sẽ có lợi cho Iran và do đó nước này có ý định leo thang căng thẳng hơn nữa.

Nếu Mỹ nổ súng trước, Iran có thể tấn công các căn cứ của Mỹ ở Bahrain và Quatar. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ leo thang tình hình bằng cách thắt chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này - điều mà Tổng thống Trump đã tuyên bố. Các nguồn tin cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ chặn đứng hoàn toàn Iran, với các tài sản có liên quan tới chế độ ở Tehran sẽ bị đóng băng.

Cả hai bên cũng đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự. Theo các nguồn tin, Mỹ sẽ cần 1 tuần để đảm bảo sẵn sàng cho điều đó, mặc dù với sự triển khai quân sự như hiện nay của Mỹ vẫn đủ để thực hiện một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng nếu cần thiết. Iran cũng đang chuẩn bị cho các lực lượng quân sự và các lực lượng ủy nhiệm của mình ở khu vực Arab, từ Hezbollah ở Liban tới các Lực lượng động viên chung ở Iraq.

Nói cách khác, trừ phi có một thỏa thuận giúp ngằn ngừa xung đột, chiều hướng hiện nay của các sự kiện đang hướng tới những hoạt động thù địch quân sự ở vùng Vịnh và Trung Đông. Trong khi đó, từ quan điểm của Mỹ, và thậm chí là trong quan điểm của một số nước châu Âu, việc Iran vi phạm giới hạn làm giàu urani không thể bị bỏ qua.

Cho tới nay, tất cả những nỗ lực trung gian đều đã thất bại trong việc thuyết phục Iran từ bỏ yêu cầu của nước này về việc chấm dứt các lệnh trừng phạt trước khi đồng ý đàm phán.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn đang cố gắng đóng vai trò trung gian với người Iran nhằm kiềm chế không để họ leo thang căng thẳng và tìm cách kích động một cuộc tấn công quân sự từ Mỹ. Những nỗ lực trước đây của ông Putin đều không đem lại kết quả, nhưng ông vẫn tiếp tục tìm cách ngăn chặn đối đầu quân sự.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Iran không hài lòng với quan điểm "mềm" của Nga. Iran đã đặt cược vào Nga, Trung Quốc và các cường quốc trong Liên minh châu Âu (EU) để giúp tìm cách thoát ra khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mặc dù vậy, cho tới nay, việc Iran tìm cách leo thang căng thẳng đã gây phản tác dụng đối với các nước châu Âu, những nước đang tìm cách tách xa khỏi Iran và xích lại gần Mỹ hơn, đặc biệt sau khi Tehran tăng cường hoạt động làm giàu urani và phơi bày những thiếu sót của thỏa thuận hạt nhân. Iran cũng hiểu rằng Trung Quốc không đứng về phía họ trong cuộc đối đầu này. Và đối với Nga, Iran đã tính toán sai lầm khi cho rằng liên minh với Nga ở Syria sẽ mở rộng tới vùng Vịnh hoặc tới "tam giác" Mỹ-Israel-Iran.

Nếu Iran vượt qua ngưỡng làm giàu urani lên 20% trong hai tháng, nước này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ không thể chấp nhận được đối với châu Âu, Trung Quốc, Nga, cũng như Mỹ.

Mức tiếp theo của các biện pháp trừng phạt có thể chọc giận hơn nữa giới lãnh đạo Iran, khiến Iran phải leo thang hơn nữa hoặc buộc nước này phải điều chỉnh hành vi của mình và đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân. Nó có thể dưới hình thức phong tỏa hải quân, các biện pháp nhằm ngăn chặn mọi quốc gia làm ăn với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, và gia tăng trừng phạt.

Các nước Arab vùng Vịnh không muốn có một cuộc chiến và tránh làm căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, họ muốn có mặt khi đàm phán để duyết định những vấn đề ảnh hưởng tới an ninh và tương lai của họ.

Iran sẽ tìm cách lợi dụng cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ để thử thách Tổng thống Mỹ, với quan điểm chỉ giới hạn các cuộc đàm phán ở vấn đề hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo.

Nếu đạt được một sự mặc cả lớn, điều quan trọng là các nước Arab phải là một phần trong đó, hoặc không sự thương lượng đó chỉ là tạm thời và không đầy đủ. Nếu ông Trump làm được điều không thể và ký kết được một thỏa thuận như vậy, đó sẽ là một thành tựu mang tính lịch sử khiến tất cả mọi người hài lòng.

Cho tới khi đó, Tehran và các đồng minh của họ sẽ sẵn sàng cho một cuộc đối đầu. Hezbollah ở Liban đang đợi lệnh từ Tehran, sẽ đáp lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel nhằm vào các lò phản ứng hạt nhân ở Iran.

Trong khi đó, Hezbollah có ý định đáp trả lại những lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ nhằm vào các thành viên cao cấp của lực lượng này, không phải bằng cách tấn công trực tiếp vào các lợi ích Mỹ, mà bằng cách buộc chính phủ Liban phải công khai phản đối các lệnh trừng phạt này và đề nghị giúp đỡ họ.

Có tin rằng Mỹ đã cảnh báo chính phủ Liban rằng nếu làm như vậy, nhà nước Liban sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt - điều mà các chính trị gia của nước này rất muốn tránh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục