LHQ bàn biện pháp cấm vật liệu phân rã hạt nhân

Đại hội đồng LHQ sẽ xem xét các biện pháp cấm vật liệu phân rã hạt nhân nếu Hội nghị về giải trừ quân bị vẫn tiếp tục bế tắc.
Ngày 31/10, Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế (Ủy ban 1) đã thông qua 10 nghị quyết, trong đó khẳng định tại kỳ họp thứ 67 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ xem xét các biện pháp cấm vật liệu phân rã hạt nhân nếu Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị vẫn tiếp tục bế tắc.

Các nghị quyết mới được thông qua nhấn mạnh lo ngại nghiêm trọng về hiện trạng của cơ chế giải trừ quân bị do Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị đề ra đã bế tắc hơn một thập kỷ qua.

Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các nước khảo sát, xem xét và thúc đẩy các lựa chọn làm hồi sinh cơ chế giải trừ quân bị của Liên hợp quốc.

Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị cần tiến hành thương lượng ngay lập tức hiệp ước quốc tế, đa phương và có kiểm chứng hiệu quả về cấm sản xuất nhiên liệu phân rã hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân nhằm góp phần quan trọng giải trừ và không phổ biến loại vũ khí này.

Hội nghị lần này cần thông qua chương trình làm việc để nối lại các cuộc thương lượng thực chất về giải trừ quân bị vào đầu năm 2012, đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân và dành cho các nước không có vũ khí này những đảm bảo thích hợp về an ninh.

Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 khuyến khích các nước sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện các bước đi bổ sung nhằm đảm bảo loại trừ không thể đảo ngược tất cả nguyên liệu phân rã hạt nhân, đồng thời khẳng định nhu cầu mọi nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế để tránh hậu quả tàn khốc của bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào đối với nhân loại.

Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn và sự khẩn cấp của việc ký, phê chuẩn không chậm trễ và không điều kiện để đảm bảo Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện có hiệu lực.

Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng nhất trí thông qua nghị quyết về Hiệp ước khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục