Ngày 9/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và nhiều lãnh đạo thế giới đã kêu gọi các nước đóng góp khoảng 23 tỷ USD cho chương trình cung cấp vaccine công bằng trên toàn cầu của Liên hợp quốc để có thể chấm dứt được đại dịch vào cuối năm nay.
Người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh thế giới phải hành động ngay bởi nếu để bất bình đẳng về vaccine tiếp diễn thì đó sẽ là thất bại mang tính đạo đức lớn nhất của nhân loại, và thế giới sẽ không thể đẩy lùi được đại dịch.
Sáng kiến cung cấp vaccine công bằng do Liên hợp quốc khởi xướng từ tháng 4/2020, chỉ vài tuần sau khi thế giới công bố đại dịch, đã giúp đẩy nhanh khả năng xét nghiệm, điều trị cũng như tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong gần hai năm qua.
Chương trình mà Liên hợp quốc và giới lãnh đạo thế giới phát động ngày 9/2 là nhằm có được nguồn tài chính để triển khai chương trình cung cấp vaccine toàn cầu mà hiện đang thiếu hụt khoảng 16 tỷ USD, chưa kể 7 tỷ USD khác cần cho công tác vận chuyển tại các nước được tài trợ vaccine.
[WHO kêu gọi các nước hợp tác chấm dứt đại dịch COVID-19]
Trước đó, Liên hợp quốc đã gửi thư tới hơn 50 nước giàu có để đề nghị hỗ trợ ngân sách dành cho chương trình vaccine công bằng toàn cầu này. Nếu huy động đủ nguồn tài chính, Liên hợp quốc cho rằng có thể ngăn ngừa đại dịch lây lan, phá vỡ chu kỳ của các biến thể đồng thời giảm đỡ gánh nặng cho các hệ thống y tế và y bác sỹ.
Nếu thế giới tiếp tục chậm chễ trong phân phối vaccine công bằng thì nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại về tài chính gấp 4 lần số tiền đầu tư cho chương trình phân phối vaccine công bằng toàn cầu chống dịch.
Theo dự kiến, Liên hợp quốc sẽ tạo lập kho dự trữ vaccine với khoảng 600 triệu liều, mua 700 triệu bộ xét nghiệm và đảm bảo máy thở, thuốc men điều trị đủ cho khoảng 120 triệu bệnh nhân, đáp ứng đủ nhu cầu của các nước nghèo.
Nguồn tài chính huy động được cũng sẽ được sử dụng để mua trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế và các thiết bị cấp cứu cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Hiện thế giới đã tiến hành khoảng 4,7 tỷ ca xét nghiệm toàn cầu, nhưng chỉ có 22 triệu ca xét nghiệm, tương đương 0,4 % được tiến hành ở các nước có thu nhập thấp. Chỉ có khoảng 10% người dân ở các quốc gia này đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.
Tiến sỹ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới Sẵn sàng vì Dịch bệnh (CEPI), cho rằng nếu sáng kiến cung cấp vaccine công bằng toàn cầu của Liên hợp quốc có đủ nguồn tài chính thì ngoài việc ứng phó ngay với đại dịch hiệu quả, các nhà khoa học sẽ có điều kiện nghiên cứu và phát triển nhiều giải pháp phòng ngừa hơn nữa đối với các biến thể mới./.