Ngày 10/9, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết các nỗ lực cứu trợ của tổ chức này dành cho các nạn nhân sau vụ nổ ở Beirut (Liban) hồi tháng trước đang bắt kịp với nhu cầu.
Trong bản cập nhật về tình hình ứng phó nhân đạo khẩn cấp ở Beirut, ông Dujarric cho biết nhu cầu khẩn cấp của các nạn nhân phải được đáp ứng trước khi có thể bắt đầu quá trình phục hồi và tái thiết lâu dài hơn.
Theo Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã hoàn thành việc cung cấp 12.500 tấn bột mì nhằm giúp thay thế 15.000 tấn bột mì được lưu trữ trước đó trong các kho chứa ở cảng Beirut nhưng đã bị phá hủy trong vụ nổ ngày 4/8.
Ông Stephane Dujarric cho biết hơn 74.000 suất ăn nóng và thức ăn sẵn đã được cung cấp cho những người bị ảnh hưởng, 21.200 hộ gia đình đã nhận được phiếu thực phẩm hoặc bưu kiện hiện vật.
Báo cáo tình hình mới nhất tại Liban của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) cho rằng lượng lương thực đến Liban đã giảm nghiêm trọng.
Vụ nổ đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn dự trữ lương thực và an ninh lương thực trên khắp đất nước Liban. Nhiều vấn đề đáng quan tâm là người dân không có đủ tiền để mua thực phẩm thiếu nhiên liệu hoặc khó tiếp cận với các thiết bị nấu ăn.
Theo OCHA, vụ nổ xảy ra vào thời điểm Liban đang phải đối phó với đợt bùng phát COVID-19 và đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế nhiều mặt, giá cả hàng hóa thiết yếu gia tăng kéo theo tình trạng đói nghèo đe dọa đến an ninh lương thực của các hộ gia đình.
Kể từ khi bắt đầu các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hơn 7.060 bộ dụng cụ trú ẩn đã được phân phát, hơn 7.900 người đã được tiếp cận với các hệ thống cấp nước được tái thiết và 5.740 tòa nhà đã được đánh giá về các biện pháp xử lý nước và vệ sinh.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết khoảng 1.000 trong số 6.000 người bị thương trong vụ nổ là trẻ em; ước tính có tới 600.000 trẻ em có thể bị sốc hoặc tổn thương về tâm lý; khoảng 100.000 trẻ em phải chứng kiến cảnh nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần.
UNICEF cảnh báo việc mất nhà cửa thường dẫn đến tình trạng các hộ gia đình và cộng đồng dân cư quá đông đúc, làm tăng các nguy cơ khác, trong đó có việc lây truyền COVID-19, bạo lực tình dục và giới tính./.