LHQ: Ngôn ngữ cản trở châu Phi tiếp cận thông tin

LHQ khẳng định ngôn ngữ là rào cản với châu Phi trong tiếp cận thông tin toàn cầu và thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số so với thế giới.
Ngày 5/12, tại Hội nghị hành động chia sẻ thông tin toàn cầu (AGIS) lần thứ 11 đang diễn ra tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Liên hợp quốc đã khẳng định ngôn ngữ hiện đang là rào cản lớn nhất đối với châu Phi trong việc tiếp cận thông tin toàn cầu cũng như thu hẹp nhanh khoảng cách về kỹ thuật số so với thế giới.

Ông Fenstermacher, Chủ tịch Hiệp hội Toàn cầu hóa và Địa phương hóa (GLA), cho biết chiến lược của Liên hợp quốc là thúc đẩy bình đẳng thông qua việc tăng cường sử dụng ngôn ngữ địa phương và đa dạng văn hóa.

Do đó, hội nghị AGIS năm nay tập trung thảo luận các phương pháp nhằm giúp chiến lược trên phù hợp hơn với châu lục sở hữu đa dạng ngôn ngữ nhất thế giới này, đồng thời thúc đẩy phát triển ngôn ngữ và công nghệ theo sáng kiến của châu Phi về xã hội thông tin.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, mặc dù chỉ chiếm chưa đầy 3% lưu lượng Internet toàn cầu, nhưng châu Phi hiện là châu lục có tốc độ phát triển điện thoại di động nhanh nhất thế giới và dung lượng thông tin bùng nổ với 140 triệu cuộc gọi, 1,5 tỷ tin trên Facebook, 1,6 triệu blog và 60.000 website được tạo ra mỗi ngày.

Số lượng điện thoại di động tăng nhanh cho thấy ngôn ngữ quyết định số người sử dụng công nghệ vì điện thoại di động chỉ sử dụng ngôn ngữ địa phương.

Tuy nhiên, Chủ tịch GLA nhấn mạnh để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, các thông tin được tạo ra hàng ngày của người dân các nước châu Phi cần được chuyển tải để mọi người có thể hiểu được trong cùng một ngôn ngữ.

Do đó, các công cụ mới và sáng tạo cần được tạo ra để xử lý các nội dung này và chuyển tải thông tin đến tất cả mọi người.

Liên hợp quốc sẽ tăng cường phổ cập các phần mềm nguồn mở nhằm hỗ trợ các ngôn ngữ châu Phi trong chiến lược điện tử quốc gia của các nước châu lục Đen.

Trọng tâm của chiến lược này là nhấn mạnh vào ngôn ngữ địa phương trong việc sáng tạo và giám sát các thông tin kinh tế, chính trị, và xã hội.

Ngoài ra, tổ chức này cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược vi tính hóa chương trình dạy và học các ngôn ngữ châu Phi từ cấp tiểu học trong các hệ thống giáo dục của các nước thuộc châu lục này.

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc khẳng định địa phương hóa ngôn ngữ công nghệ thông tin và viễn thông cần được coi là công cụ hỗ trợ phát triển và xóa đói giảm nghèo không chỉ ở châu Phi, mà cả trên toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng thông qua ngôn ngữ và công nghệ.

Hiện chi phí cho chương trình này trên toàn cầu hiện đã lên tới 31 tỷ USD.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc khuyến khích tiềm năng kinh doanh này trên toàn thế giới vì thông tin bằng ngôn ngữ địa phương là thành phần không thể thiếu của chiến lược thông tin trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục