Liban: Khả năng ông Saad Hariri trở lại cương vị Thủ tướng

Quyết định lùi thời điểm tổ chức các cuộc tham vấn tại Quốc hội được đưa ra sau khi các lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ cựu Thủ tướng Saad Hariri trở lại cương vị này.
Liban: Khả năng ông Saad Hariri trở lại cương vị Thủ tướng ảnh 1Cựu Thủ tướng Liban Saad Hariri. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Liban Michel Aoun ngày 8/12 đã thông báo lùi thời điểm tổ chức các cuộc tham vấn tại Quốc hội nhằm chọn một thủ tướng mới, sang ngày 16/12 tới.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ cựu Thủ tướng Saad Hariri trở lại cương vị này.

Thông báo của Văn phòng Tổng thống cho biết các cuộc tham vấn được hoãn lại so với lịch dự kiến ngày 9/12 "theo yêu cầu của các nhóm nghị sỹ lớn nhất" để tiến hành thảo luận thêm.

Theo hệ thống chính trị của Liban, Thủ tướng phải là người thuộc Hồi giáo dòng Sunni, trong khi Tổng thống là người từ cộng đồng Kitô giáo và Chủ tịch Quốc hội sẽ thuộc dòng Hồi giáo Shiite.

Các lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni đã đạt một thỏa thuận ủng hộ ông Hariri trở lại nhiệm sở sau khi ông này từ chức ngày 29/10 trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra khắp mọi nơi, trong đó những người biểu tình cáo buộc giới tinh hoa chính trị tham nhũng và quản lý yếu kém.

Tại thời điểm từ chức, ông Hariri cho biết ông ủng hộ doanh nhân Samir Khatib làm Thủ tướng.

[Liban tiếp tục chìm sâu trong cuộc khủng hoảng chính trị]

Ngày 8/12, ông Khatib cho biết sẽ rút khỏi cuộc đua vào vị trí thủ tướng sau khi cộng đồng Hồi giáo Sunni dành sự ủng hộ cho ông Hariri. Thông báo trên truyền hình, ông Khatib cho biết đã gặp Thủ tướng tạm quyền Hariri và bày tỏ ủng hộ ông trở lại cương vị chính thức.

Ông Hariri đã đảm nhiệm cương vị thủ tướng không liên tục từ năm 2009. Doanh nhân 49 tuổi này đã theo bước chân người cha - cố Thủ tướng Rafik Hariri, và được coi là nhà lãnh đạo chính trị truyền thống của cộng đồng Hồi giáo Sunni ở Liban.

Liban đang rất cần một chính phủ mới để gây dựng lại lòng tin của người biểu tình cũng như của các nhà tài trợ quốc tế. Nền kinh tế quốc gia ven bờ Địa Trung Hải này đang "rơi tự do," trong khi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản đồng USD.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng âm 0,2% trong năm 2019, song giờ thậm chí còn cảnh báo suy thoái có thể tồi tệ hơn. Khoảng 1/3 người dân Liban đang sống trong cảnh nghèo đói và con số này có thể tăng gấp rưỡi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục