Libya công bố kết quả bầu hội đồng soạn thảo hiến pháp

Kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy các ứng cử viên độc lập giành được kết quả khả quan tại thủ đô Tripoli và thành phố miền Đông Benghazi.
Libya công bố kết quả bầu hội đồng soạn thảo hiến pháp ảnh 1Chủ tịch của ủy ban bầu cử Libya Nuri al-Abbar. (Nguồn: Reuters)

Ngày 1/3, Ủy ban bầu cử Libya đã công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng soạn thảo hiến pháp mới, mặc dù 13 trong số 60 ghế của hội đồng lập hiến vẫn còn bỏ trống sau khi xảy ra bất ổn tại một số khu vực bầu cử.

Kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy các ứng cử viên độc lập giành được kết quả khả quan tại thủ đô Tripoli và thành phố miền Đông Benghazi, nơi phe Hồi giáo thường xuyên gây bất ổn từ khi Tổng thống Moamer Kadhafi bị lật đổ hồi tháng 10/2011.

Theo Ủy ban bầu cử, 11 ghế vẫn chưa được bầu do tình hình bạo lực và 2 ghế dành cho người dân tộc thiểu số Berber vẫn để trống do cộng đồng này tẩy chay cuộc bầu cử nhằm phản đối việc thiếu các cơ chế đảm bảo quyền về văn hóa của họ trong bản hiến pháp mới.

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Nuri al-Abbar cho biết Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - tức Quốc hội lâm thời, cơ quan chính trị cao nhất của Libya sẽ quyết định hướng xử lý đối với 13 ghế còn bỏ trống này.

Ông Abbar nêu rõ kết quả bầu cử cuối cùng sẽ được công bố trong 2 tuần tới và các ứng cử viên có 12 ngày để khiếu nại.

Cuộc bầu cử ngày 20/2 nhằm chọn ra một cơ quan soạn thảo hiến pháp mới được coi là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp tại Libya sau 42 năm dưới chế độ của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, song không thu hút được sự quan tâm của cử tri.

Các chính đảng cũng không chính thức hiện diện tại cuộc bỏ phiếu mà chỉ có các ứng cử viên độc lập đăng ký tranh cử.

Hội đồng lập hiến gồm 60 thành viên, chia đều cho 3 vùng: Fezzan ở miền Nam, Tripolitania ở miền Tây và Cyrenaica ở miền Đông, trong đó có 6 ghế dành cho 3 nhóm sắc tộc thiểu số chính ở Libya là Berbers, Toubous và Tuareg.

Hiến pháp mới của Libya sẽ quy định các vấn đề chủ chốt như hệ thống chính phủ, quy chế dành cho các cộng đồng thiểu số và vai trò của luật Hồi giáo Sharia.

Văn kiện này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục