Liên hoan "Nghi lễ Chầu văn của người Việt"

Liên hoan "Nghi lễ Chầu văn của người Việt" tại Phủ Dầy

Nhân dịp Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IX (23/11/2013), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Đinh phối hợp với UBND huyện Vụ Bản tổ chức Liên hoan “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”.
Liên hoan "Nghi lễ Chầu văn của người Việt" tại Phủ Dầy ảnh 1 Liên hoan nghi lễ Chầu văn tại Hà Nội tháng 10/2013 (Nguồn: TTXVN)

Ngày 23/11, nhân dịp Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ IX (23/11/2013), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Đinh phối hợp với UBND huyện Vụ Bản tổ chức Liên hoan “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” tại Phủ Vân Các và Phủ Tiên Hương thuộc Khu di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản). 

Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, đại diện các sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Vụ Bản cùng đông đảo nhân dân xã Kim Thái. Liên hoan còn có sự tham gia của các thanh đồng có uy tín của Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương. 

Nghi lễ Chầu văn do cộng đồng người Việt sáng tạo trước hết là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vì vậy nó có nguồn gốc bản địa đích thực; là sản phẩm của tư duy, nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng các cư dân nông nghiệp lúa nước. 

Nghi lễ Chầu văn hầu đồng là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhằm tôn vinh các vị thần linh Tứ phủ, những người có công với dân, với nước. Với những giá trị đó, nghi lễ Chầu văn được các thế hệ người Việt gìn giữ, kế thừa và phát triển, qua đó chứng minh rằng nghi lễ Chầu văn hầu đồng là một bộ phần văn hóa không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Việt mà Nam Định là nơi khởi nguồn, kết tinh và lan tỏa của di sản văn hóa phi vật thể này. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu còn chứa đựng giá trị đạo đức và giá trị văn hóa sâu sắc. Đó là tâm thức "uống nước nhớ nguồn", tôn vinh người tài giỏi có công với dân, với nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt nam, mà trong đó người Mẹ (Mẫu) là nhân vật trung tâm, người Mẹ được đồng nhất với Mẹ Tự nhiên, sản sinh, bao dung, chở che và mang lại điều tốt lành cho con người ở thế giới thực tại. 

Hiện nay, nghi lễ Chầu văn không chỉ diễn ra ở các di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thanh Trần và một số di tích khác mà còn được sáng tạo, cải biên với các hình thức biểu diễn trên sân khấu hay trong các cuộc thi, các hoạt động văn hóa quần chúng. 

Trong quá trình tồn tại và phát triển, nghi lễ Chầu văn một mặt vừa được bảo tồn nguyên gốc các giá trị truyền thống, vừa được cộng đồng tái tạo các giá trị văn hóa mới để thích ứng với điều kiện sống. 

Chầu văn hay Hát văn được sử dụng trong các buổi “lên đồng” hầu Thánh. Lời văn trong Hát văn được phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. 

Các bài văn hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của Thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của Ngài, răn dạy con người ta sống tốt đời đẹp đạo. Nghi lễ Chầu Văn là tổng hòa của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, kết hợp nhuần nhuyễn trên một sân khấu “cộng đồng”. 

Liên hoan “Nghi lễ Chầu văn cảu người Việt” là dịp tôn vinh, quảng bá di sản, đẩy mạnh công tác xã hội hoá, hướng tới việc lập hồ sơ “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trình UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục