Liên hợp quốc kêu gọi nỗ lực chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.

Công nhân làm việc gần mỏ than ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc gần mỏ than ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thư ký Điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiel, ngày 11/12 đã kêu gọi các quốc gia loại bỏ những rào cản trong nỗ lực tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận về tương lai của nhiên liệu hóa thạch "nóng lên" tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Phát biểu với báo giới tại COP28, ông Stiel nhấn mạnh sự cần thiết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Vì vậy, quan chức cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng điều đầu tiên cần làm là loại bỏ những rào cản không cần thiết để đạt được những nỗ lực như vậy.

Bên cạnh đó, ông Stiel cho rằng các nước cần tiếp tục thực hiện các hành động tham vọng và quyết liệt hơn, nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đề xuất “giảm dần/loại bỏ” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống Biến đổi Khí hậu. Đây là vấn đề mà các đại biểu của khoảng 200 nước đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28. Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận tại COP28. Về mặt lý thuyết, một thỏa thuận như vậy sẽ được hoàn tất vào ngày 12/12 - ngày họp cuối cùng của hội nghị.

Trong khi đó, đại diện thường trực của UAE tại Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Tiến sỹ Nawal Al Hosany, đánh giá Hội nghị COP28 đã mang lại những kết quả vượt mong đợi về các cam kết tài chính và cam kết toàn cầu hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi Khí hậu.

Phát biểu với hãng tin WAM của UAE bên lề hội nghị COP28, Tiến sỹ Al Hosany đánh giá cao thành công đạt được trong mỗi ngày tại hội nghị trong đó có việc tăng cường các sáng kiến tài chính và động lực toàn cầu, đồng thời nêu bật thỏa thuận toàn cầu đã đạt được về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại."

Tiến sỹ Al Hosany hoan nghênh cam kết của hơn 123 quốc gia về tăng gấp 3 lần việc áp dụng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030.

Tiến sỹ Al Hosany cũng nhấn mạnh vai trò của IRENA trong việc thuyết phục các quốc gia tham gia cam kết này nhằm đạt mục tiêu kiềm chế mức ấm lên toàn cầu không quá 1,5°C và tăng cường an ninh năng lượng.

Tiến sỹ Al Hosany nêu bật sự hợp tác của IRENA với Chủ tịch COP28 trong khuôn khổ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính, trong đó các sáng kiến được đưa ra tại hội nghị, thu hút nguồn tài trợ vượt 80 tỷ USD.

Theo bà, để đạt được hiệu quả bền vững, cần phải duy trì các cam kết toàn cầu liên quan đến tài chính, cùng với việc chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng giúp cung cấp thêm năng lượng tái tạo cho lưới điện tại các quốc gia đã cam kết.

Ngoài ra, Tiến sỹ Al Hosany nhấn mạnh vai trò tiên phong của thanh niên tại hội nghị về khí hậu đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng và hỗ trợ các ý tưởng của giới trẻ trong áp dụng các giải pháp cho các vấn đề thách thức về khí hậu và năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa công bố một báo cáo về triển vọng chuyển đổi năng lượng của nước này, trong đó khẳng định theo đuổi tăng trưởng xanh, ít phát thải CO2.

Báo cáo tiêu đề “Triển vọng chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc năm 2023," tập trung vào an ninh năng lượng và hiệu quả chi phí trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Báo cáo được công bố tại sự kiện "Cùng định hình một tương lai kiên định cho chuyển đổi năng lượng toàn cầu", diễn ra ngày 9/12 bên lề Hội nghị COP28.

Theo báo cáo, Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao với mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người và lượng phát thải carbon tương đối thấp so với các nước phát triển, tạo niềm tin đối với tăng trưởng xanh toàn cầu.

Phát biểu tại sự kiện, Đặc phái viên của Trung Quốc về Biến đổi Khí hậu, ông Giải Chấn Hoa cho rằng việc các quốc gia tìm kiếm giải pháp chuyển đổi năng lượng phù hợp với điều kiện đặc thù, cũng như việc đạt đồng thuận về chuyển đổi năng lượng toàn diện và khả thi, mang ý nghĩa quan trọng.

Ông bày tỏ hy vọng COP28 đưa ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức chung mang tính hệ thống mà toàn cầu đang phải đối mặt, đồng thời tập hợp trí tuệ và sức mạnh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và carbon thấp trên toàn cầu.

Về phần mình, Phó Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bà Mary Warlick đã ghi nhận những đóng góp lớn của Trung Quốc trong việc thúc đẩy mở rộng nền kinh tế năng lượng sạch. Bà Warlick nhấn mạnh Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển có cơ hội cùng tiên phong hành động bảo vệ khí hậu toàn cầu bằng cách đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi năng lượng.

Trước đó, IEA cho rằng loạt cam kết mới được công bố tại Hội nghị COP28 - từ tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo đến hạn chế lượng khí thải methane, là không đủ để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Đến nay, 130 quốc gia đã nhất trí tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, trong khi 50 công ty khai thác dầu và khí đốt đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải methane và loại bỏ việc đốt dầu sản xuất vào năm 2030 theo Hiệp định khử Carbon trong Dầu khí.

ttxvn-hoa-thach2-8196.jpg
Khí thải bốc lên từ một nhà máy điện ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu các bên thực hiện đúng cam kết của mình, thì lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu sẽ giảm tương đương 4 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2030. Đây là 1/3 lượng khí thải cần được giải quyết trong 6 năm tới để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như đã nhất trí trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015.

IEA nhấn mạnh: “(Các cam kết) gần như không đủ để đưa thế giới vào con đường đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế. IEA sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tại COP28 và cập nhật đánh giá của mình khi cần thiết."

IEA từng cho rằng các nước sẽ cần thực hiện 5 lĩnh vực chính tại COP28 để duy trì khả năng giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C. Bên cạnh năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và cắt giảm khí methane, IEA cho biết một cơ chế tài chính quy mô lớn là cần thiết để tăng gấp 3 lần đầu tư năng lượng sạch ở các quốc gia nghèo hơn.

Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước nỗ lực hơn, linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận giải quyết Biến đổi Khí hậu, bao gồm cả cách diễn đạt về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Ông khẳng định việc dập tắt tham vọng của thỏa thuận và thất bại không phải là lựa chọn.

Hội nghị COP28 sẽ kéo dài đến ngày 12/12. Dự thảo văn bản được COP28 công bố ngày 10/12 đề xuất tổ chức hội nghị COP29 vào năm tới tại Azerbaijan trong khoảng thời gian từ ngày 11-22/11. Văn bản cũng đề xuất thời gian diễn ra COP30 ở Brazil là từ ngày 10-21/11/2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục