Lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch tăng lên mức kỷ lục mới

Theo Báo cáo Dự án Carbon Toàn cầu, lượng phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới trong năm nay tăng lên mức 36,8 tỷ tấn, cao hơn 1,1% so với năm ngoái.

Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/12, Trung tâm Truyền thông Khoa học Đức công bố Báo cáo Ngân sách Carbon Toàn cầu 2023 cho thấy lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm nay.

Chuyên gia Sinh hóa Judith Hauck của Viện Alfred Wegner ở Bremerhaven (Đức), một trong những tác giả của báo cáo Dự án Carbon Toàn cầu, cho biết lượng phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới trong năm nay tăng lên mức 36,8 tỷ tấn, cao hơn 1,1% so với năm ngoái.

Năng lượng hóa thạch vẫn chiếm phần lớn trong tổng lượng phát thải CO2 ước tính lên tới 40,9 tỷ tấn. Phần còn lại là do nguyên nhân thay đổi sử dụng đất, chẳng hạn như phá rừng và tái trồng rừng, cũng như các hoạt động của con người.

Báo cáo cho biết thêm thảm thực vật và các đại dương trên thế giới tiếp tục hấp thụ khoảng 50% trong tổng lượng khí thải CO2 của năm 2023. Tuy nhiên, phần còn lại tích tụ trong bầu khí quyển và đang khiến Trái Đất này càng nóng lên.

Con số này thay đổi mỗi năm tùy thuộc vào hiện tượng thời tiết El Nino hay La Nina có xuất hiện hay không, hoặc những vụ cháy rừng lớn như ở Canada năm nay có thể làm giảm đáng kể lượng hấp thụ CO2 tự nhiên này. Gió thay đổi cũng có thể khiến đại dương hấp thụ ít CO2 hơn. Trong khi đó, cháy rừng và thay đổi gió lại là hậu quả của Biến đổi Khí hậu - tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Theo chuyên gia Julia Pongratz ở LMU München, một trong các tác giả của báo cáo, các biện pháp như lưu trữ CO2 dưới lòng đất hoặc dưới biển cũng được thảo luận nhiều lần tại các Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP).

Tuy nhiên, các biện pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn và cho đến nay hầu như không chiếm một tỷ lệ đáng kể nào. Hiện tại, các biện pháp như thu giữ và lưu trữ carbon chỉ thu được 0,000025% lượng khí thải do nhiên liệu hóa thạch gây ra.

Theo báo cáo, lượng phát thải khí nhà kính giảm ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhưng lại gia tăng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, cũng là những quốc gia có lượng phát thải lớn nhất như Trung Quốc.

Ở Ấn Độ, lượng khí thải bình quân đầu người thấp hơn đáng kể so với EU nhưng lượng khí thải tính chung vẫn đang tăng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục