Liên minh châu Âu bật đèn xanh cho thương vụ Bayer-Monsanto

EU đã thông qua thương vụ cho phép Tập đoàn dược phẩm và hóa chất Bayer (Đức) mua lại công ty chuyên về hạt giống biến đổi gen Monsanto (Mỹ) sau khi nhận được một số nhân nhượng từ Bayer.
Liên minh châu Âu bật đèn xanh cho thương vụ Bayer-Monsanto ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bsic.it)

Ngày 21/3, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua thương vụ cho phép Tập đoàn dược phẩm và hóa chất Bayer (Đức) mua lại công ty chuyên về hạt giống biến đổi gene Monsanto (Mỹ) sau khi nhận được một số nhân nhượng từ Bayer.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh, bà Margrethe Vestager cho biết EU đã thông qua kế hoạch của Bayer mua lại Monsanto bởi giải pháp của các bên đáp ứng đầy đủ những lo ngại về cạnh tranh của EU.

Quyết định trên được đưa ra sau khi EU nhận được một số nhân nhượng từ Bayer, trong đó có việc Bayer hồi tháng 10/2017 thông báo bán mảng kinh doanh nông hóa học cho tập đoàn đối thủ BASF của Đức.

[Châu Âu mở điểu tra về thương vụ Bayer-Monsanto trị giá 66 tỷ USD]

Bayer sẽ bán mảng kinh doanh hạt giống cây trồng và thuốc diệt cỏ glyphosate cho BASF với giá 5,9 tỷ euro (7 tỷ USD).

Giám đốc điều hành Bayer, Werner Baumann, hồi tháng trước cho biết nếu được EC bật đèn xanh, thương vụ mua Monsanto có thể được hoàn tất trong khoảng thời gian vào quý 2 năm nay.

Trước đó, hồi tháng 8/2017, EU đã mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về thương vụ này do lo ngại rằng vụ thâu tóm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh về thuốc trừ sâu, hạt giống hay một số hoạt động khác về nông nghiệp.

Tháng 9/2016, Bayer đã thông báo về việc mua lại Monsanto với trị giá 66 tỷ USD.

Thương vụ này sẽ cho phép tập đoàn của Đức thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuốc trừ sâu và hạt giống, đồng thời tạo ra công ty sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống lớn nhất thế giới.

Đầu năm 2017, EC đã đồng ý cho phép sáp nhập 2 siêu tập đoàn trong lĩnh vực nông hóa học nêu trên dưới các điều kiện khác nhau.

Cuối tháng 3/2017, EC cũng chấp thuận thương vụ sáp nhập 2 công ty khổng lồ của Mỹ là Dow và DuPont để tạo thành công ty DowDuPont, mang tới một sức nặng 130 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Mười ngày sau, EC đã cho phép tập đoàn Tập đoàn Hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) mua lại công ty Syngenta (Thụy Sĩ) với trị giá 43 tỷ USD - thương vụ lớn nhất của Trung Quốc tại nước ngoài.

Các thực thể mới cam kết với EU sẽ bán lại một số mảng hoạt động của họ để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục