Liên minh châu Phi lên án xu hướng đảo chính liên tục tại lục địa đen

Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự chậm trễ của các hành động hướng tới khôi phục trật tự hiến pháp ở một số quốc gia thành viên.
Liên minh châu Phi lên án xu hướng đảo chính liên tục tại lục địa đen ảnh 1(Hình ảnh chụp qua video) Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Gabon, Tướng Brice Oligui Nguema (giữa). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Phi (AU) ngày 31/8 đã lên án mạnh mẽ làn sóng chính phủ thay đổi một cách vi hiến tại nhiều quốc gia ở châu lục này, những hành động vốn đi ngược lại các văn kiện quy phạm của liên minh.

Trong một tuyên bố của Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU được phóng viên TTXVN tại châu Phi trích dẫn, cơ quan này "nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải xem xét tính hiệu quả của các phản ứng truyền thống của AU" đối với các trường hợp thay đổi chính phủ bất thường nêu trên.

[AU kêu gọi giải pháp lâu dài cho các cuộc xung đột ở châu Phi]

Hội đồng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự chậm trễ của các hành động hướng tới khôi phục trật tự hiến pháp ở một số quốc gia thành viên AU, đồng thời cũng khuyến khích các nước nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả các nhiệm vụ chuyển tiếp được thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat lên án cuộc đảo chính ở Gabon thuộc khu vực Trung Phi, vụ mới nhất trong một loạt cuộc đảo chính ở lục địa này.

Cuộc đảo chính ở Gabon là cuộc đảo chính thứ 8 tại châu Phi kể từ tháng 8/2020. Trước đó, vào cuối tháng Bảy vừa qua, một nhóm sỹ quan thuộc lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.

AU bày tỏ thêm quan ngại về sự tồn tại dai dẳng và tái xuất hiện của các hiện tượng đe dọa hòa bình và an ninh ở lục địa này, cả do con người và tự nhiên tạo ra; bao gồm khủng bố, xu hướng cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, thay đổi chính phủ vi hiến, xung đột nội bộ, hoạt động phi pháp của các nhóm vũ trang, sự gia tăng của các chiến binh nước ngoài - gồm cả lính đánh thuê và khủng bố - và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các dòng tài chính bất hợp pháp và hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục