LHQ cảnh báo xung đột ở Sudan gây ra khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan

Đại diện UNHCR tại Nam Sudan cho biết hàng triệu người Nam Sudan sống dưới mức nghèo khổ và cuộc chiến ở Sudan đang tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nam Sudan.

Người tị nạn nhận hàng cứu trợ tại Bentiu, Nam Sudan ngày 7/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người tị nạn nhận hàng cứu trợ tại Bentiu, Nam Sudan ngày 7/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/7, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đưa ra cảnh báo trong một cuộc khảo sát sơ bộ rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Nam Sudan đối với người tị nạn cũng như cộng đồng tiếp nhận.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, cuộc khảo sát kinh tế xã hội cho thấy những người buộc phải chạy trốn đến Nam Sudan thường đến các vùng nông thôn có các dịch vụ cơ bản hạn chế, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu cơ hội học hành, cơ sở hạ tầng kém và nơi ở quá đông đúc.

Bà Marie-Helene Verney, Đại diện UNHCR tại Nam Sudan, cho biết hàng triệu người Nam Sudan sống dưới mức nghèo khổ và cuộc chiến ở Sudan đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nam Sudan.

Bà Verney cho biết: “Trong bối cảnh này, việc hòa nhập những người tị nạn là một thách thức đặc biệt và điều quan trọng là hiện nay chúng tôi phải liên kết việc hỗ trợ nhân đạo với các chương trình ổn định và phát triển trong phạm vi có thể.”

Những phát hiện trong cuộc Khảo sát về việc di dời không mong muốn lần đầu tiên của UNHCR được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2023 đối với khoảng 3.100 hộ gia đình ở Nam Sudan cho thấy những người tị nạn và cộng đồng tiếp nhận phải đối mặt với những thách thức gây thêm các rủi ro và hạn chế các cơ hội tự lực cánh sinh.

Theo UNHCR, Nam Sudan có hơn 460.000 người tị nạn, chủ yếu đến từ Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia. Hầu hết người tị nạn sống ở khu vực phía Bắc và đã ở đất nước này hơn một thập kỷ.

UNHCR cho biết kể từ khi chiến tranh bắt đầu ở Sudan hơn một năm trước, Nam Sudan đã tiếp nhận trung bình 1.600 người mỗi ngày, bao gồm cả những người tị nạn từ Sudan và những người Nam Sudan trở về đất nước mà nhiều người trong số họ chưa từng sinh sống.

Báo cáo cho thấy tình trạng mất an ninh lương thực vẫn là vấn đề cấp bách nhất, với khoảng 74% hộ gia đình người tị nạn và dân địa phương cho biết họ bị đói trong tháng trước.

Hơn 2/5 số hộ gia đình ở cả hai nhóm đều thấy thu nhập của họ từ tất cả các nguồn đều giảm so với năm trước.

UNHCR nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay ở Sudan đã đẩy một lượng lớn người tị nạn và người trở về Nam Sudan, làm tăng dân số tị nạn ở những khu vực vốn đã bị ảnh hưởng bởi bạo lực giữa các cộng đồng và các dịch vụ không đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo Liên hợp quốc, nền kinh tế Nam Sudan đã gặp khó khăn hơn nữa do chiến tranh ở quốc gia láng giềng, đặc biệt là do đường ống dẫn dầu chính của nước này phải đóng.

UNHCR cho rằng mực nước cao kỷ lục ở hồ Victoria và dự báo lượng mưa trên mức trung bình trên toàn khu vực trong những tuần tới có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã nghiêm trọng.

Cơ quan này cho biết lũ lụt nghiêm trọng và dai dẳng trong những năm trước đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng, đất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và sinh kế của người dân.

Bà Verney cho rằng thế giới cần đầu tư vào dân số trẻ ở Nam Sudan và cung cấp cho họ những công cụ và cơ hội để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Đại diện UNHCR tại Nam Sudan khẳng định: "Bất chấp những thách thức, Chính phủ Nam Sudan đã mở cửa để mang lại sự an toàn cho những người chạy trốn chiến tranh. Nhưng nguồn lực quá căng có thể dễ dàng dẫn đến căng thẳng. Các khoản đầu tư dài hạn đáng kể là rất quan trọng để cải thiện phúc lợi của người tị nạn và cộng đồng tiếp nhận họ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục