Chiều 9/11, Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) đã tổ chức Lễ ra mắt 3 siêu thị nông sản an toàn Việt Nam tại số 6 Dương Đình Nghệ; số 6 đường Trần Thái Tông và tại 36B HH3A khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp UCA, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Liên hiệp vẫn nỗ lực liên kết với gần 200 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trên toàn quốc, nhằm xây dựng thương hiệu “Nông sản an toàn Việt Nam,” cung ứng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt.
Chính vì vậy, sau khi áp dụng thành công mô hình siêu thị nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn cho biết UCA sẽ tiến tới nhân rộng mô hình tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu có đông dân cư tạo sự gắn kết trong phát triển cộng đồng giữa người dân với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Tổng công ty trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, dự kiến năm 2017, UCA sẽ triển khai xây dựng từ 50 đến 100 siêu thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thành trên toàn quốc theo mô hình các trung tâm thu mua và phân phối nông sản an toàn Việt Nam.
Cùng với đó, UCA cam kết sẽ tìm kiếm bạn hàng tại thị trường nước ngoài để xuất khẩu các sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng quốc tế.
Tham dự lễ khai trương, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh các sản phẩm nông sản tiêu thụ tại hệ thống siêu thị UCA đều do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trực tiếp chỉ đạo Liên minh hợp tác xã các tỉnh/thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương kiểm soát chặt chẽ các hợp tác xã từ khâu sản xuất tới thu hoạch, sơ chế, đóng gói bảo quản tới dán tem truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, tất cả các sản phẩm tại UCA đều được cơ quan chức năng cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chia sẻ niềm vui cùng Liên hiệp UCA, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự nhấn mạnh mẫu hình thí điểm UCA ở Hà Nội được thiết kế quy mô phù hợp, dễ tiếp cận và dễ áp dụng đối với mô hình hợp tác xã. Tới đây, hệ thống Liên minh Hợp tác xã phải bàn kỹ các giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy nhân rộng mô hình này ra toàn quốc.
Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cộng thêm lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn còn thấp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để góp phần cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp Việt Nam, xây dựng lại nông thôn mới, phát triển bền vững.
Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ để có thể khai trương một chuỗi siêu thị nông sản, thực phẩm an toàn.
Khẳng định đây là một niềm vui đối với các hợp tác xã, với nông nghiệp và nông dân Việt Nam. Bởi từ trước đến nay, nông dân làm ra sản phẩm nhưng khó khăn trong tiêu thụ nên cần phải có đầu mối để hỗ trợ họ tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, mô hình chuỗi siêu thị này có 2 ý nghĩa: kết nối nông dân với hợp tác xã, với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời chuỗi siêu thị sẽ "đo lường" được nhu cầu của người tiêu dùng để phản hồi lại cho người sản xuất.
Đánh giá mô hình của Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam rất có ý nghĩa, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mô hình này cần phát triển trên quy mô toàn quốc và thông tin sâu rộng cho người sản xuất để họ tham gia vào Liên hiệp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân hy vọng từ nay đến tháng 3/2017, Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn sẽ ký kết được với các đối tác nước ngoài để thêm cơ hội tiêu thụ cho nông sản Việt Nam.
Đặc biệt, trong 4 năm tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ luôn sát cánh cùng Liên minh Hợp tác xã để đến năm 2020, hình thành chuỗi siêu thụ dày đặc ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần có quy hoạch chuỗi hợp tác xã, siêu thị tiêu thụ nông sản an toàn để có thể thu hút đầu tư của xã hội, hình thành kênh bán lẻ nông sản an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nói có với thực phẩm an toàn và nói không với thực phẩm bẩn./.