Theo hãng Reuters, vòng trừng phạt Iran đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “những trừng phạt hà khắc nhất từng áp đặt” đã có hiệu lực hôm 7/8.
“Bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không làm ăn với Mỹ,” Tổng thống Trump viết trên twitter sáng 14/8.
Thậm chí, vòng trừng phạt thứ hai gây tổn thất lớn hơn cho nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng đã được khôi phục lại sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với các cường quốc thế giới, và dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, sức ép kinh tế không phải là công cụ duy nhất của Mỹ và các đồng minh sử dụng để đối phó Iran.
Trong những tháng gần đây, chính quyền Trump đã âm thầm thúc đẩy một liên minh an ninh mới với 6 quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Qatar và Oman cũng như Ai Cập và Jordan, để đối phó, theo quan điểm của Washington, là sự "bành trướng" của Iran trong khu vực.
[Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran?]
Được biết đến là Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) hay báo chí quốc tế gọi là liên minh “NATO Arab,” các quan chức Mỹ và Arab cho biết liên minh này đang được lên kế hoạch trong một nỗ lực mở rộng hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, phòng thủ tên lửa và huấn luyện quân sự, nhằm giải quyết các thách thức an ninh do Iran và các nhóm thân Iran tạo ra.
Khái niệm cơ bản về liên minh “NATO Arab” về cấu trúc là “không ổn” và khó thành công. Không giống như các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được thành lập trên cơ sở những lợi ích chung hoặc ít nhất cũng là văn hóa chiến lược chung để đối phó với mối đe dọa Xô Viết, các quốc gia do người Sunni lãnh đạo mà chính quyền Trump hy vọng gia nhập liên minh mới này sẽ không nhất trí với những vấn đề cơ bản, bao gồm cả câu hỏi quan trọng về cách tốt nhất nào để tiến hành quan hệ với Iran.
Trong khi Saudi Arabia và UAE coi Tehran là kẻ thù lớn nhất và đang diễn ra một cuộc chiến đấu kéo dài chống lại các lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, Kuwait và, đặc biệt, Oman về lịch sử đã tận hưởng hòa bình và có nhiều giai đoạn hợp tác gần gũi với Iran.
Trong khi Muscat đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán bí mật giữa các quan chức Iran và Mỹ để cuối cùng dẫn tới thỏa thuận hạt nhân lịch sử được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thì Saudi Arabia, UAE và Bahrain nhất quyết phản đối JCOA.
Một trở ngại lớn hơn cho việc hình thành và hoạt động hiệu quả của liên minh “NATO Arab” là sự chia rẽ, đối đầu giữa UAE, Saudi Arabia và Bahrain chống lại Qatar.
Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ tháng 6/2017 khi Riyadh, Abu Dhabi và Manama nhất quyết tẩy chay quốc gia láng giềng nhỏ bé này, cắt đứt các mối quan hệ thương mại và ngoại giao với cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và quan hệ với Iran.
Qatar được biết đến là chủ nhà của căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong khu vực, trong khi Saudi Arabia là nước mua vũ khí lớn nhất của Mỹ.
Do đó, cuộc khủng hoảng này đã đẩy Mỹ vào tình thế khó xử vì hai quốc gia này đều là những đồng minh quan trọng của Washington tại Trung Đông.
Trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Riyadh năm 2017, ý tưởng thúc đẩy một liên minh “NATO Arab” xuất hiện là nhằm, theo lý giải trong quan hệ quốc tế, “đổ trách nhiệm sang cho người khác.”
Nói cách khác, bằng việc theo đuổi chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên”, chính quyền Trump đang cố gắng giao trách nhiệm “xử lý Iran” cho các đồng minh Arab của mình.
Bên cạnh đó, Mỹ dường như có ý định sử dụng kế hoạch này như chất xúc tác để bán vũ khí cho những quốc gia này.
Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ đặt chân xuống Riyadh hồi năm ngoái, ông và Quốc vương Saudi Arabia đã ký một loạt thỏa thuận bao gồm một hợp đồng bán vũ khí trị giá khoảng 110 tỷ USD, cùng với một hợp đồng khác trị giá 350 tỷ USD cho thập kỷ tới.
Nhưng “đổ trách nhiệm sang cho người khác” chính xác là điều các đồng minh Arab của Mỹ cũng muốn để đối đầu với Tehran. Dù không sẵn sàng hoặc không thể can dự với Iran trực tiếp, các đối thủ dòng Sunni của Iran hy vọng thuyết phục Mỹ và thậm chí Israel hỗ trợ lớn cho họ.
Một nhà phân tích chỉ ra rằng, Saudi Arabia tìm cách gây chiến với Iran để cuối cùng Mỹ cũng phải tham gia vào một cuộc chiến tranh với Cộng hòa Hồi giáo này.
Sự xung đột cơ bản về nhận thức và kỳ vọng ngay trung tâm của khái niệm này đã báo trước sự thất bại của việc khởi xướng một liên minh “NATO Arab.”
Thật trớ trêu, kế hoạch này đang được bàn thảo trong lúc Tổng thống Trump đe dọa phá vỡ NATO nếu các đồng minh không tăng chi tiêu quân sự của họ.
Cuối cùng, liệu một tổ chức như vậy có thể đối đầu với Iran trên thực tế? Một liên minh thành công có thể phải nỗ lực (như Israel nhấn mạnh gần đây) ngăn chặn Tehran thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria cũng như đánh bại các nhóm phiến quân Houthi dòng Shi-ai ở Yemen và khôi phục quyền lực cho Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi, đồng minh của Saudi Arabia, hoặc, cụ thể hơn, là phải thiết lập một lá chắn phòng thủ tên lửa cho khu vực Trung Đông rộng lớn.
Song nếu những rạn nứt nội bộ giữa các nước thành viên tiềm tàng không được giải quyết và không đạt được một sự đồng thuận chính trị về chia sẻ gánh nặng, kế hoạch của chính quyền Trump “đẩy trách nhiệm sang cho người khác” thông qua liên minh NATO Arab” sẽ không thể trở thành hiện thực./.