Thay đổi thái độ với Iran, liệu Mỹ có dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt?

Chưa từng có bất kỳ Tổng thống Mỹ nào gặp một nhà lãnh đạo của Iran kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran một năm sau cuộc cách mạng 1979 lật đổ Quốc vương Ba Tư.
Thay đổi thái độ với Iran, liệu Mỹ có dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt? ảnh 1(Nguồn: Stanford News)

Theo Reuters, ngày 30/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Iran mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để thảo luận về cách cải thiện quan hệ song phương sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, trả lời câu hỏi liệu ông có sẵn lòng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani hay không, Tổng thống Trump nói: “Nếu họ (phía Iran) muốn, chúng tôi sẽ gặp nhau... Tôi sẽ gặp bất cứ ai. Tôi tin vào các cuộc gặp,” nhất là khi nguy cơ chiến tranh khá rõ ràng.

Đáp lại phát biểu này của người đứng đầu Nhà Trắng, Iran cho biết con đường duy nhất để khôi phục các cuộc đàm phán là Mỹ phải quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Iran từng ký với nhóm P5+1.

Cố vấn Hamid Aboutalebi của Tổng thống Rouhani viết trên trang Twitter: “Tôn trọng các quyền của nhà nước Iran, giảm thù địch và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là các bước đi có thể mở ra con đường gập ghềnh cho các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran."

Chưa từng có bất kỳ Tổng thống Mỹ nào gặp một nhà lãnh đạo của Iran kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran một năm sau cuộc cách mạng 1979 lật đổ Quốc vương Ba Tư, một đồng minh của Mỹ.

Cựu Tổng thống Barack Obama là người đã phá vỡ 3 thập kỷ quan hệ Mỹ-Iran hoàn toàn "đóng băng" bằng một cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Rouhani vào năm 2013.

Nhà Trắng khẳng định việc Tổng thống Trump tỏ ý sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran không làm thay đổi lập trường của chính quyền trong việc gia tăng trừng phạt và chỉ trích đối với Tehran để hướng tới mục tiêu “thay đổi cách cư xử của Chính quyền Iran."

Tuy nhiên, các phát biểu của Trump được xem là dịu giọng hơn rất nhiều so với những gì chính ông đưa ra một tuần trước, khi ông chỉ trích Tổng thống Rouhani trong một dòng bình luận trên Twitter ngày 22/7: “Đừng bao giờ đe dọa Mỹ một lần nữa, nếu không ông sẽ phải hứng chịu những hệ quả hiếm có trong lịch sử."

Trước đó, Tổng thống Rouhani đã nhắc tới Trump trong một bài phát biểu và cho rằng các chính sách thù địch của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chiến cực kỳ thảm khốc.

[Iran tuyên bố có thể vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ]

Ngày 30/7, phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đang ở thăm Washington, Tổng thống Trump nói: “Tôi chắc chắn sẽ gặp Iran nếu họ muốn. Tôi không rõ họ đã sẵn sàng hay chưa. Tôi đã chấm dứt thỏa thuận Iran. Đó là một thỏa thuận kỳ cục. Tôi tin rằng cuối cùng họ cũng sẽ muốn tổ chức một cuộc gặp và tôi sẵn sàng bất kỳ khi nào họ muốn."

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết ông “không đề ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào” cho cuộc gặp với phía Iran.

Nhà Trắng khẳng định dù Tổng thống “cởi mở với giải pháp đối thoại và đàm phán” thì cũng không có nghĩa Mỹ sẽ dỡ bỏ trừng phạt hoặc tái thiết lập các quan hệ ngoại giao và thương mại.

Garrett Marquis, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia, nói: “Việc dỡ bỏ trừng phạt chỉ có thể diễn ra khi Tehran có những thay đổi rõ ràng, cụ thể và bền vững trong chính sách của mình. Các đòn trừng phạt sẽ ngày càng được siết chặt hơn nữa nếu chế độ không thay đổi lập trường của mình."

Tháng 5/2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế được ký năm 2015 với hy vọng hạn chế tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran. Kể từ đó, giới cầm quyền của Iran đã liên tục hứng chịu các đòn trừng phạt ngày càng mạnh mẽ của Mỹ và bị đe dọa áp đặt thêm nhiều biện pháp mạnh tay khác.

Gần một tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra hàng loạt phát biểu chỉ trích giới lãnh đạo Iran, thậm chí còn so sánh chế độ này với mafia, và tuyên bố ủng hộ những người Iran bất bình với chế độ. Tuy nhiên, Pompeo không nói cụ thể những “ủng hộ” này là gì.

Bất chấp cuộc khẩu chiến gay gắt giữa hai bên trong những tuần gần đây, giới chức Iran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao. Dù cảnh cáo Mỹ về việc khiêu khích chiến tranh, song tuần trước Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: “Mỹ nên biết hòa bình với Iran là điều quan trọng nhất,” một phát biểu được cho là thể hiện thái độ tích cực và kỳ vọng vào khả năng hòa bình giữa hai "kẻ thù không đội trời chung."

Các nguồn thạo tin tại Iran cho biết trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và đồng nội tệ trượt giá dẫn tới các cuộc biểu tình trên đường phố, Đại Giáo chủ Ali Khamenei có thể sẽ phải cân nhắc xúc tiến các biện pháp ngoại giao với Washington, điều được xem như không khác gì việc “uống rượu độc” - cụm từ được người tiền nhiệm Ruhollah Khomeini nhắc đến khi ông chấp nhận thỏa thuận đình chiến được Liên hợp quốc chủ trì để kết thúc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988. Tình trạng kinh tế tồi tệ cũng là nguyên nhân buộc Khamenei phải miễn cưỡng ủng hộ các nỗ lực bảo vệ thỏa thuận 2015 của Tổng thống Rouhani.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump muốn thúc đẩy ngoại giao với giới lãnh đạo Iran, ông cần phải giải quyết những lo ngại sâu sắc của các đồng minh thân cận nhất trong khu vực, như Saudi Arabia và Israel, vốn rất hoài nghi về việc đàm phán với Chính quyền Rouhani./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục