Nhiều nước kêu gọi thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, nêu rõ chỉ có cam kết thực sự đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Israel mới có thể ngăn chặn tái diễn xung đột ở Gaza.

Hiện trường một cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 12/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hiện trường một cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 12/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại phiên khai mạc cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ngày 28/4 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, các đại biểu tham dự sự kiện đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước, coi đây là con đường duy nhất chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.

Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan nêu rõ chỉ có cam kết thực sự đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Israel mới có thể ngăn chặn tái diễn xung đột ở Gaza.

Ông Faisal nói thêm: "Chúng tôi, các quốc gia trong khu vực, sẽ không chỉ tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, mà còn xem xét cách thức chúng tôi có thể giải quyết vấn đề lớn hơn trong bối cảnh Gaza. Đó là một cam kết thực sự đối với giải pháp hai nhà nước, tức là một con đường đáng tin cậy và không thể đảo ngược để hướng tới một nhà nước Palestine độc lập."

Ngoại trưởng Saudi Arabia cho rằng việc hỗ trợ thực hiện giải pháp hai nhà nước phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Faisal cũng lưu ý rằng cộng đồng quốc tế đã thất bại ở Gaza, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Theo ông, tình hình ở Gaza rõ ràng là một thảm họa xét về vấn đề nhân đạo và là sự thất bại hoàn toàn của hệ thống chính trị hiện nay trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng đất này.

Ông Faisal cho hay Saudi Arabia sẽ làm mọi thứ có thể để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, đồng thời bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ làm điều đúng đắn và biến khái niệm này thành hiện thực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy các bước đi cụ thể nhằm thực hiện giải pháp hai nhà nước.

Về phần mình, Ngoại trưởng Sri Lanka Ali Sabry nhắc lại lời kêu gọi của người đồng cấp Saudi Arabia, cho rằng cuộc xung đột Israel-Palestine sẽ không được giải quyết cho đến khi giải pháp hai nhà nước được thực hiện.

Ông Sabry nói: "Tôi luôn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine, vì đây là vấn đề cơ bản."

Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan cho rằng các mối đe dọa địa chính trị như xung đột ở Gaza và Ukraine gây ra rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Al-Jadaan cảnh báo những tác động dây chuyền của các cuộc xung đột đang "ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế."

Theo ông, các mối đe dọa địa chính trị đang gia tăng hiện nay có thể là rủi ro số một đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Trong những năm gần đây, Saudi Arabia đã có những nỗ lực đáng kể nhằm giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông và đây là chiến lược cụ thể của Riyadh.

Trong phiên họp đầu tiên, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tăng cường an ninh và tăng trưởng toàn cầu.

Các vấn đề liên quan đến thương mại, chuỗi cung ứng, tác động của bất ổn địa chính trị, nhất là căng thẳng ở Biển Đỏ, đã được thảo luận sâu rộng tại phiên họp.

Cuộc họp đặc biệt của WEF về hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng lượng cho phát triển, diễn ra tại Riyadh trong 2 ngày 28-29/4, được kỳ vọng sẽ giải quyết những thách thức toàn cầu, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

Sự kiện quy tụ hơn 700 đại biểu đến từ 92 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các chính phủ, các ngoại trưởng, đại diện của các tổ chức quốc tế, các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp.

Với 3 chủ đề chính là thúc đẩy hành động về năng lượng cho phát triển, hiệp ước tăng trưởng toàn diện và khôi phục hợp tác toàn cầu, cuộc họp đặc biệt của WEF nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách Bắc-Nam ngày càng gia tăng về các vấn đề như chính sách kinh tế mới nổi, chuyển đổi năng lượng và các cú cốc địa chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục