Mức độ ảnh hưởng từ việc Mỹ trừng phạt Iran sẽ như thế nào?

Tổng thống Trump đã đăng tải trên trang cá nhân rằng "bất cứ ai làm ăn với Iran thì sẽ không được làm ăn với Mỹ" và các đợt trừng phạt sẽ buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa hạt nhân mới.
Mức độ ảnh hưởng từ việc Mỹ trừng phạt Iran sẽ như thế nào? ảnh 1Một cơ sở sản xuất dầu mỏ thuộc đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Arabnews của Saudi Arabia ngày 9/8 đăng bài viết với tiêu đề "Triển vọng đàm phán Mỹ-Iran ngày càng xa vời," nội dung như sau:

Ngày 6/8, Mỹ đã tái áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm gây thêm áp lực với chính quyền nước này, buộc Iran phải quay trở lại bàn đàm phán cũng như chấp nhận những điều khoản và điều kiện mới để cho ra đời một thỏa thuận hạt nhân Iran mới.

Những biện pháp trừng phạt này bao gồm chấm dứt tất cả các giao dịch tài chính của Mỹ với Iran, tác động đến hợp đồng giữa Iran và Mỹ liên quan đến các nhà sản xuất ôtô và máy bay.

Đợt trừng phạt thứ 2 sẽ được áp đặt vào tháng 11/2018, tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Iran.

Câu hỏi được đặt ra là mức độ ảnh hưởng từ các đợt trừng phạt của Mỹ đối với các đối tác thương mại của Iran như Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc sẽ như thế nào?

Liệu các nước này có quyết định chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rằng bất kỳ quốc gia nào làm ăn với Iran sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt, kết quả là sẽ mất các thỏa thuận thương mại với Mỹ?

Tổng thống Trump đã đăng tải trên trang mạng cá nhân rằng "bất cứ ai làm ăn với Iran thì sẽ không được làm ăn với Mỹ."

Tổng thống Trump trước đó cũng gọi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) là thỏa thuận một chiều, là "thảm họa" và "tồi tệ nhất chưa từng có."

Ông Trump tin rằng áp lực kinh tế sau các đợt trừng phạt sẽ buộc Iran phải đồng ý ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.

Các tuyên bố của ông Trump chống Iran được cho là nhằm đe dọa các bên tham gia JCPOA còn lại như EU vì khối này vẫn tiếp tục cam kết duy trì thỏa thuận và tìm cách né các trừng phạt của Mỹ đối với Iran, bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn tại Iran như công ty Siemens của Đức, công ty Total và Renault của Pháp, hay những công ty khí đốt của Anh và Hà Lan.

Đối với Mỹ, dường như chính quyền nước này đang bị chia rẽ thành 2 luồng quan điểm, một là tăng cường áp lực lên Iran để gây thiệt hại kinh tế cho Iran và các đồng minh của nước này như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và một là cố tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua việc đối thoại với Iran ở "cửa sau."

Đối với Iran, đây có vẻ chỉ là một màn kịch của Mỹ vì Iran tin rằng Tổng thống Trump muốn tất cả các hợp đồng kinh tế phải được trao cho các công ty Mỹ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: "Người Mỹ muốn phát động một cuộc chiến tranh tâm lý chống lại dân tộc Iran. Đàm phán khi đang bị áp đặt các lệnh trừng phạt là phi lý. Chúng tôi luôn ủng hộ đàm phán ngoại giao và đối thoại, nhưng đối thoại cần phải chân thành."

Còn đối với Nga, trừng phạt là nhằm buộc chính quyền Iran đầu hàng Mỹ. Nói cách khác, nghĩa là Iran phải phi hạt nhân, tuyên bố chấm dứt hoàn toàn quá trình làm giàu urani và chấm dứt phát triển chương trình tên lửa - vốn được xem là mối đe dọa đối với nhiều nước khác.

Ông Trump cho rằng các đồng minh của Iran như Nga sẽ thuyết phục Iran không bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước Trung Đông khác vì nếu làm như vậy, Iran sẽ đối mặt với sự sụp đổ tất yếu, tương tự sự sụp đổ của Liên bang Xô viết trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

[Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran?]

Liệu Iran tan rã có là điều an toàn cho khu vực, an toàn cho Nga, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc? Chỉ Tổng thống Trump mới biết câu trả lời thực sự vì ông chính là người đã đưa ra ý tưởng áp đặt trừng phạt đối với Iran và lực lượng quân sự của Iran, trong đó có Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Vẫn cần thời gian để quan sát xem liệu các lệnh trừng phạt này có buộc Iran phải chấm dứt sự hậu thuẫn về hậu cần dành cho Hezbollah tại Liban và các nhóm vũ trang khác tại Iraq, Yemen và Syria hay không.

Nga cho rằng Mỹ luôn muốn chiếm trọn cái bánh mà không chia sẻ với các nước khác. Điều này giải thích vì sao Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc gặp tại Muscat với Ngoại trưởng Oman Yusuf bin Alawi.

Kịch bản này có vẻ khá giống với kịch bản cách đây ít năm, khi Mỹ bí mật đàm phán với Iran tại Oman để đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Có thể, Mỹ đang chơi lá bài hai mặt tại vùng Vịnh khi tìm kiếm lợi ích tối đa từ cả hai phía trước khi thông báo một tiến triển quan trọng đã đạt được về thỏa thuận hạt nhân, và buộc Iran phải cam kết duy trì hòa bình cũng như ổn định đối với các nước láng giềng dựa trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này.

Liệu các hành động đơn phương như vậy có giúp Mỹ giải giáp được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran? Các hoạt động gần đây của Iran tại biển Arab và eo biển Hormuz cho thấy Iran sẽ sử dụng biện pháp quân sự tại các vùng biển này nếu bị Mỹ "dồn vào chân tường."

Điều gì đã thúc đẩy ông Trump đề nghị đối thoại "vô điều kiện" với Iran khi mà thời gian, địa điểm vẫn chưa được thảo luận cụ thể? Sáng kiến về đối thoại "vô điều kiện" đã được Tổng thống Trump đưa ra, nhưng chắc hẳn Iran không tin vào người đứng đầu Nhà Trắng.

Vì vậy, sẽ không có bất kỳ đàm phán nào diễn ra trước khi đợt trừng phạt tiếp theo có hiệu lực. Điều đó cũng có nghĩa là chính quyền Iran sẽ có nguy cơ bị suy yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục