Liệu chiến tranh có bùng nổ giữa Maroc và Algeria?

Cùng với bối cảnh căng thẳng kéo dài nhiều thập kỷ, hàng loạt xích mích trong một loạt vấn đề khiến quan hệ Algeria-Maroc đang ngày càng xấu đi, thậm chí đang đứng trước bờ vực chiến tranh tổng thể.
Liệu chiến tranh có bùng nổ giữa Maroc và Algeria? ảnh 1Quan hệ Algeria-Maroc đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, chủ yếu là do vấn đề Tây Sahara. (Nguồn: AFP)

Báo Le Figaro mới đây có bài viết “Liệu chiến tranh có bùng nổ giữa Maroc và Algeria?,” trong đó tác giả nhận định rằng trong một bối cảnh căng thẳng tiềm tàng kéo dài nhiều thập kỷ và gần đây là hàng loạt xích mích trong một loạt vấn đề, quan hệ Algeria-Maroc đang ngày càng xấu đi, thậm chí đang đứng trước bờ vực chiến tranh tổng thể.

Tại sao tình hình leo thang?

Trong suốt 30 năm, quy chế của Tây Sahara luôn đầu độc mối quan hệ giữa Maroc và Algeria. Trong khi Maroc coi Tây Sahara thuộc lãnh thổ của mình, Algeria lại coi đây là vấn đề phi thực dân hóa và kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự quyết cho Saharawi dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Lâu nay, tranh chấp giữa Rabat và Algiers chủ yếu diễn ra dưới hình thức một cuộc chiến ngoại giao, trong đó mỗi bên cố gắng gây ảnh hưởng thông qua các báo cáo và trò chơi vận động hành lang tại Liên hợp quốc.

Cuối tháng 8 vừa qua, Algeria đã phá vỡ hiện trạng khi tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Maroc và quyết định này liên quan sự xuất hiện chính thức của kẻ thứ ba là Israel.

Kể từ khi Donald Trump tuyên bố việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Maroc và Israel để đổi lấy việc Mỹ công nhận chủ quyền của Maroc đối với Tây Sahara - điều không được Chính quyền Biden xác nhận hay bác bỏ, Algiers đã thực sự lo ngại “các chiến dịch từ bên ngoài sẽ gây mất ổn định” cho Algeria.

Đầu tiên phải kể đến va chạm hồi tháng 7 vừa qua giữa các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước, theo đó Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra cáo buộc Đại diện Maroc tại Liên hợp quốc Omar Hilale đã cho lưu hành một công hàm trong đó Maroc nhấn mạnh rằng “người Kabyle dũng cảm xứng đáng được hưởng đầy đủ quyền tự quyết hơn bất kỳ dân tộc nào khác.”

[Tại sao Algeria cắt đứt quan hệ với nước láng giềng Maroc?]

Algiers đã liệt Phong trào ly khai Kabylia (MAK) vào danh sách các tổ chức “khủng bố” và coi sự thống nhất của đất nước là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua, vì thế ghi chú nêu trên chẳng khác nào một “hành động thù địch.”

Vấn đề trên chưa khép lại thì vụ bê bối Pegasus nổ ra: Rabat nổi lên như một trong những đối tượng sử dụng phần mềm gián điệp của Israel, đặc biệt là nhằm vào Algeria. Cuối cùng, Algiers đã đưa ra một cáo buộc “điên rồ” rằng Maroc liên quan đến các vụ hỏa hoạn chết người tàn phá miền Bắc Algeria.

Những dấu hiệu leo thang

Cái chết của 3 tài xế xe tải người Algeria ngày 1/11 trên đường nối Mauritania với Algeria, theo các nguồn tin của Sahrawi và Algiers, dường như là do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của quân đội Maroc, càng khiến tình hình thêm căng thẳng.

Algiers đã cảnh báo Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) về “ý chí và trách nhiệm trong việc bảo vệ công dân của mình.” Tuy nhiên, leo thang bắt đầu ngay sau khi tin tức về quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao được công bố. Algeria cho biết không có ý định gia hạn hợp đồng vận hành đường ống dẫn khí Maghreb-châu Âu, trong đó có đoạn cung cấp khí đốt cho Maroc. Một quyết định đã có hiệu lực trong tuần trước.

Tháng 9 vừa qua, Algeria đã đóng cửa không phận và một đoạn của quốc lộ Bắc-Nam nối thành phố Bouarfa với thành phố Agadir. Tháng 10, Algiers yêu cầu quân đội Maroc rút khỏi đồn biên giới Guerguerat, một khu phi quân sự nằm trên con đường duy nhất dẫn đến Mauritania ở cực Nam Tây Sahara.

Trong một tuyên bố rõ ràng là nhằm vào Maroc, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune nêu rõ: “Nếu có ai đó tìm kiếm chúng tôi, tôi thề rằng việc đó (chiến tranh) sẽ không có hồi kết.”

Cuối cùng, Algiers đã đóng sập cửa với bất kỳ cuộc đàm phán nào bằng cách bác bỏ nghị quyết của Liên hợp quốc được thông qua cuối tuần trước về việc tăng cường sứ mệnh của Phái bộ Liên hợp quốc về tổ chức trưng cầu ý dân ở Tây Sahara (Minurso), trong đó kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán giữa Algeria, Maroc, Tây Sahara và Mauritania.

Cho rằng cắt đứt quan hệ ngoại giao là hành động “phi lý,” Maroc vẫn ở thế chờ đợi bất chấp các cuộc tấn công quân sự của Sahrawi gia tăng trong những tuần gần đây.

Báo chí dẫn một nguồn tin Maroc cho biết kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ tháng 11 này, đã có 6 binh sỹ của Lực lượng vũ trang Hoàng gia (FAR) nước này thiệt mạng.

Cũng cuối tuần trước, Vua Mohammed VI đã tuyên bố “bản chất Maroc của Sahara sẽ không bao giờ nằm trong chương trình nghị sự của bất kỳ cuộc đàm phán nào”. Một nhà quan sát Maroc mới đây khẳng định “họ đang chuẩn bị cho chiến tranh nhưng không muốn là người bắt đầu.”

Theo nhà nghiên cứu người Maroc Aziz Chahir, việc bổ nhiệm Tướng Belkhir el-Farouk, cựu tư lệnh quân khu phía Nam - nơi ông đã phục vụ suốt 40 năm trong vai trò Tổng thanh tra của FAR - là “một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến Algiers.”

Ngược lại, việc lựa chọn Saïd Chengriha, tham mưu trưởng quân đội Algeria từ năm 2019, không phải là điều lạ lẫm nếu biết ông đã nếm trải 14 năm ở biên giới với Maroc trong vai trò chỉ huy Quân khu 3. Ở Algiers, một cựu chính trị gia giấu tên khẳng định: “Người Maroc và Algeria đã chuẩn bị cho chiến tranh trong suốt 50 năm. Năm 1963, hai bên đã đụng độ trong Chiến tranh Cát. Quân đội đã luôn sẵn sàng, nhưng bắt đầu chiến tranh trước hết cần có ý chí chính trị.”

Các lực lượng nào hiện diện?

Năm 2020, Algeria là quốc gia dành nhiều tiền mua sắm vũ khí nhất châu Phi, với khoảng 9,7 tỷ USD, trong khi chi tiêu quân sự của Maroc cũng tăng hơn 30% so với năm 2019. Tổng cộng, hai quốc gia này đã chiếm hơn 60% giá trị vũ khí được mua sắm ở châu Phi.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Sipri, những căng thẳng xung quanh Tây Sahara chính là nguồn cơn thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Về quân số, hai nước gần như bằng nhau với khoảng 150.000 binh sỹ, nhưng rất khó để so sánh hơn thua giữa hai quân đội, vì chức năng hoạt động, chiến lược, mức độ huấn luyện hoặc khu vực phòng thủ của mỗi bên đều khác nhau.

Akram Kharief, chuyên gia về vũ khí và là người quản lý trang web Menadefense, đánh giá: “Về không quân, lực lượng hai bên gần như ngang nhau. Nhưng các lực lượng mặt đất thì không có cách nào so sánh và điều này được giải thích bởi quy mô lãnh thổ của hai nước. Lấy ví dụ về xe tăng thế hệ mới, Maroc có 380 chiếc trong khi Algeria có gần 2.000 chiếc. Algeria có hơn 2 sư đoàn thiết giáp (từ 3.000 đến 6.000 người), còn Maroc chỉ dừng ở mức lữ đoàn (1.000 người). Algeria có các sư đoàn bộ binh nhưng Moroc lại không có.”

Cuộc đối đầu có thể diễn ra dưới hình thức nào?

Các nhà phân tích Maroc và Algeria thống nhất rằng nếu có chiến tranh, nó sẽ được tiến hành trên ít nhất 2 mặt trận là Nam và Bắc. Một chuyên gia an ninh người Algeria giấu tên giải thích: “Nếu các hành động thù địch nổ ra ở phía Nam (trên biên giới với Tây Sahara), Maroc - vốn không phù hợp với một cuộc chiến trên mặt đất bằng phẳng và rộng mở - sẽ buộc phải điều hướng chiến tranh sang nơi khác, chẳng hạn nhắm vào các trung tâm đô thị hoặc các cơ sở dầu khí ở phía Tây.

Đó là lý do tại sao không thể bỏ qua nguy cơ chiến tranh tổng thể. Nhưng Algeria - vốn cũng đang chuẩn bị cho một kịch bản như vậy - trong trường hợp này sẽ nhắm vào các trung tâm ra quyết định chính trị và quân sự ở Maroc”. Kết quả sẽ là một cuộc chiến rất hạn chế về thời gian.

Những cường quốc nào có thể tham chiến?

Chuyên gia Akram Kharief khẳng định “nếu thông tin được tiết lộ trên báo Africa Intelligence hồi tháng 9 vừa qua, theo đó Rabat có kế hoạch sản xuất máy bay không người lái tự sát (chứa đầy chất nổ và phát nổ vào mục tiêu) với sự hợp tác của chi nhánh BlueBird Aero Systems thuộc Tập đoàn Công nghiệp Israel (IAI), là chính xác, có nghĩa là Maroc đang đặt mình dưới sự bảo vệ của Israel. Trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh tổng thể, Israel có thể giúp Maroc nhắm vào các cơ sở dầu khí hoặc trực tiếp thực hiện các đột kích như vậy.”

Nhưng cũng không nên viển vông về công nghệ của Israel bởi ở góc độ quân sự, nước này không thể biến một lữ đoàn thành một sư đoàn thiết giáp. Hơn nữa, chúng được sử dụng ở các chiến tuyến từ 30 đến 60 km, không phải cho các khu vực rộng lớn như chiến trường Sahara.

Ali Lmrabet, nhà báo người Maroc, thừa nhận: “Về phần mình, Algiers biết có thể trông cậy vào Nga, nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Algeria. Hơn nữa, Tổng thống Nga V. Putin cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ của Nga đối với Algeria.”.

Trong khi đó, chuyên gia Kharief nhấn mạnh một thực tế rằng ngày nay, “các cuộc chiến đều diễn ra quá nhanh để một cường quốc bên ngoài có thể hỗ trợ. Ví dụ như trường hợp của Nagorny-Karabakh, không ai có thời gian để can thiệp. Để giúp Maroc về quân sự sẽ mất ít nhất 2 tuần, quá lâu đối với nhu cầu về tiếp viện hậu cần”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục