'Liệu pháp' tiền tệ có đủ để kích thích tăng trưởng trong mùa dịch?

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, các nhà đầu tư đã tự an ủi với suy nghĩ rằng nếu COVID-19 làm giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, thì các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải giảm tỷ lệ lãi suất hơn nữa.
'Liệu pháp' tiền tệ có đủ để kích thích tăng trưởng trong mùa dịch? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: China Africa Project)

Mở đầu bài viết đăng tải trên Thời báo kinh tế Australia, nhà báo Karen Maley đặt câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương có đủ khả năng để bù đắp được những thiệt hại kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây ra.

Câu hỏi này đã khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh bắt đầu lan rộng ra các quốc gia khác ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Iran và Italy.

Nỗi lo lắng đã khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các “nơi trú ẩn” an toàn truyền thống như trái phiếu chất lượng cao và vàng. Ngày càng nhiều người nghi ngờ rằng các nhà chức trách đã bất lực trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, các nhà đầu tư đã tự an ủi với suy nghĩ rằng nếu COVID-19 làm giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, thì các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải giảm tỷ lệ lãi suất hơn nữa. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ lãi suất sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp hơn trong một khoảng thời gian dài sắp tới.

Thực tế cho thấy các ngân hàng trung ương Thái Lan, Philippines và Indonesia đã tiến hành hạ lãi suất cơ bản để đối phó với tình hình dịch bệnh.

Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng tiết lộ đang chuẩn bị cho một kế hoạch tương tự, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Moon Jae-in, vào tuần trước đã nói rằng nền kinh tế quốc gia đang trong tình trạng khẩn cấp, cần có sự kích thích để tăng nhu cầu nội địa.

Tuy nhiên, kỳ vọng về biện pháp kích thích tiền tệ bổ sung không cho thấy hiệu quả đối với các quốc gia có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, hoặc có liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng sản xuất.

Thị trường tài chính thế giới dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay, và dự kiến Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) cũng sẽ giảm lãi suất ít nhất một lần. Thậm chí, trong trường hợp cần một cú hích cho tăng trưởng kinh tế để đối phó với COVID-19, các ngân hàng trung ương hầu như đều sẵn lòng hỗ trợ về chính sách tiền tệ cho nền kinh tế quốc gia.

Phạm vi cắt giảm lãi suất hẹp

Vấn đề là hầu hết các ngân hàng trung ương đều còn rất ít phạm vi để cắt giảm lãi suất, trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Nhận thức về điều này đã đè nặng lên thị trường chứng khoán hôm đầu tuần, ghi nhận sắc đỏ trên các bảng thông tin giao dịch. Riêng thị trường chứng khoán Australia (ASX 200) phải chịu một ngày đen tối nhất kể từ tháng 8/2019, với khoảng 50 tỷ AUD (tương đương 33 tỷ USD) bị "cuốn trôi."

Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 càng kéo dài, tác động đến tăng trưởng toàn cầu càng lớn hơn. Dịch bệnh khiến các chính phủ đưa ra chính sách tài khóa, cũng như hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng diễn biến này cũng không dễ thuyết phục các chính trị gia, những người đặc biệt quan tâm tới thặng dư ngân sách, rằng họ cần phải làm nhiều hơn để chống lại một tiến trình suy giảm kinh tế.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã từ chối kiến nghị hỗ trợ cho các trường đại học, ngành du lịch và các ngành công nghiệp khác những khoản tài chính đền bù cho thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Theo ông Morrison, người nộp thuế không phải đóng vai trò như các công ty bảo hiểm, chống lại suy thoái kinh tế.

Thái độ thận trọng của người đứng đầu chính phủ Australia hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận của một số nền kinh tế lớn khác. Tại một cuộc họp vừa diễn ra ở Riyadh vào cuối tuần trước, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng tình với ý kiến cho rằng dịch COVID-19 là nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí cần phải hành động nếu tác động từ bệnh dịch trở nên tồi tệ hơn, nhưng không đưa ra một phương án hành động cụ thể. Mặc dù vậy, điều này gần như chắc chắn liên quan tới việc các chính phủ sẽ sẵn lòng cung cấp những biện pháp hỗ trợ tài chính “hào phóng."

Cùng thời điểm tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sử dụng nhiều hơn nữa các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ, bao gồm cả việc các ngân hàng nội địa nới lỏng điều kiện cho vay, với lý do COVID-19 đã gây hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức 5,6% trong năm nay, thấp hơn 0,4% so với dự báo trước đó vào tháng 1/2020.

Sự gián đoạn nghiêm trọng

Các nhà đầu tư hiện vẫn lo lắng rằng các biện pháp kích thích tài khóa đáng kể nếu có thì cũng không đủ để làm giảm bớt những thiệt hại mà các công ty toàn cầu như Apple, Nike, Adidas và Fiat phải gánh chịu. Các doanh nghiệp này đã tuyên bố về việc dịch COVID-19 đã gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh.

Một tháng sau khi dịch bệnh làm tê liệt hoạt động của các nhà máy Trung Quốc kể từ trước Tết Nguyên đán 2020, chỉ một số ít được mở cửa trở lại. Điều này đã đẩy nhanh nỗi lo ngại rằng việc Trung Quốc đóng cửa các nhà máy trong thời gian dài sẽ khiến ngành sản xuất toàn cầu ngừng trệ và gây tổn thất lên tới 1.500 tỷ USD giá trị sản lượng bị mất.

Những tổn thất này không chỉ vì các doanh nghiệp toàn cầu đang phụ thuộc rất nhiều vào các nhà máy Trung Quốc để sản xuất sản phẩm của mình, mà còn do khách hàng Trung Quốc, nguồn tiêu dùng chủ lực của thế giới, đã giảm chi tiêu. Các hiệu ứng lan tỏa của dịch bệnh cũng đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, Và khi các liên kết trong những chuỗi cung ứng ngày càng trở nên chuyên biệt hơn, thì việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cũng trở nên khó khăn hơn.

[COVID-19 gây những hậu quả gì về kinh tế và chính trị toàn cầu?]

Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ biến mình thành phân xưởng của thế giới, quốc gia này còn trở thành một nhà cung cấp khổng lồ cho ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu. Trung Quốc chiếm tới 60% nguồn cung các sản phẩm paracetamol toàn cầu và khoảng 50% đầu ra của mặt hàng thuốc ibuprofen trên thế giới. Mặc dù các công ty dược phẩm lớn đã có đủ nguồn cung cho vài tháng tới, nhưng vẫn có những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nếu sản xuất của Trung Quốc bị gián đoạn lâu hơn.

Các công ty công nghệ lớn, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, cả trong lĩnh vực cung cấp linh kiện lẫn lắp ráp các sản phẩm cuối cùng. Hầu hết các hãng đều lo sợ Trung Quốc sẽ đóng cửa các nhà máy lâu hơn nữa. Trung Quốc chịu trách nhiệm cung cấp tới 70% các sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu. Quốc gia này là quê hương của nhà sản xuất màn hình điện thoại lớn nhất thế giới, BOE Display.

Sự gián đoạn hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào các tập đoàn điện tử, như người khổng lồ điện tử Đài Loan Foxconn. Foxconn, công ty lắp ráp điện thoại iPhone, cảnh báo rằng lợi nhuận trong năm nay của tập đoàn sẽ sụt giảm do sự gián đoạn hoạt động tại nhà máy đóng ở Trung Quốc. Tương tự, tập đoàn Phần Lan Nokia cảnh báo doanh nghiệp có thể phải đối mặt với sự gián đoạn tạm thời trong chuỗi cung ứng do hậu quả của dịch COVID-19.

Trong khi đó, dịch bệnh cũng đang gây ra sự tàn phá trên thị trường hàng hóa, khiến giá dầu giảm mạnh do các nhà đầu tư đặt cược rằng tăng trưởng toàn cầu yếu hơn sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng. Dù vậy, kỳ vọng về một gói kích thích khổng lồ của Trung Quốc, bao gồm tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, đã giúp hỗ trợ giá cho các mặt hàng như quặng sắt.

Vào cuối tuần trước, Giám đốc điều hành BHP Mike Henry cho biết COVID-19 vẫn chưa ảnh hưởng đến "nhu cầu, giá cả cũng như điều khoản thanh toán'', nhưng những điều này có thể sẽ xảy ra nếu bệnh dịch không được kiểm soát vào cuối tháng Ba.

Dấu hỏi về nhu cầu của Trung Quốc khiến BHP áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn qua việc chi trả cổ tức tạm thời của công ty, thấp hơn so với mức mà các nhà phân tích dự kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục