Litva bắt đầu dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng

Ngày 14/10, các chuyên gia bắt đầu công tác dỡ bỏ nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng khỏi 2 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Ingalina (NPP) ở miền Đông Litva.
Litva bắt đầu dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: delfi.lt)

Ngày 14/10, các chuyên gia bắt đầu công tác dỡ bỏ nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng khỏi 2 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Ingalina (NPP) ở miền Đông Litva.

Hoạt động này nằm trong quy trình chấm dứt sự vận hành của NPP.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Năng lượng Litva, thùng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng đầu tiên đã được đưa đến một cơ sở lưu trữ tạm thời và trong thời gian tới, cơ sở này sẽ tiếp nhận và lưu giữ thêm 190 thùng nguyên liệu tương tự.

Số thùng nguyên liệu này sẽ được lưu giữ tại đây trong 50 năm, trước khi được chôn vĩnh viễn dưới lòng đất để đảm bảo an toàn xử lý chất thải hạt nhân.

Theo kế hoạch, toàn bộ tiến trình dỡ bỏ nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở 2 lò phản ứng của nhà máy NPP sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022.

Năm 2009, Litva đã dừng hoạt động lò phản ứng hạt nhân thứ 2 của nhà máy NPP, đồng thời ngừng vận hành nhà máy điện hạt nhân này theo một thỏa thuận giữa nước này với Liên minh châu Âu năm 1999 - là thời điểm hai bên thương lượng các điều kiện để quốc gia Baltic này gia nhập liên minh.

Do lo ngại vấn đề an toàn của NPP, EU đã chấp thuận chịu mọi phí tổn để "vô hiệu hóa" nhà máy này.

Ước tính, chi phí cho hoạt động này lên tới 2,9 tỷ USD và các quy trình chấm dứt hoàn toàn sự vận hành của NPP sẽ được hoàn tất vào năm 2038.

Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hoan nghênh nỗ lực của Belarus trong việc thiết lập hệ thống an toàn cho nhà máy điện hạt nhân mà nước này đang xây dựng.

Theo đánh giá của IAEA, Belarus đã phát triển thành công hệ thống đáp ứng điều kiện về an toàn hạt nhân và chất phóng xạ. IAEA khuyến cáo các nước khác có thể tham khảo kinh nghiệm từ quốc gia châu Âu này.

Nhà máy điện hạt nhân của Belarus được xây dựng ở vùng Grodno​ trong khuôn khổ dự án hợp tác với Nga.

Theo thiết kế, nhà máy bao gồm 2 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 2.400 MW.

Dự án này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Litva, quốc gia láng giềng của Belarus, do do ngại vấn đề an toàn khi vị trí đặt nhà máy chỉ cách biên giới hai nước 20km và cách thủ đô Vilnius của Litva 50km.

Tuy nhiên, cho đến nay, Misk vẫn khẳng định nhà máy này được xây dựng đáp ứng mọi tiêu chuẩn về an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục