Chiều 10/11, ông Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã chậm trễ trong việc ra quyết định xử lý tang vật và chăm sóc cứu hộ số lượng lớn động vật hoang dã.
Rùa được “phù phép” có nguồn gốc hợp pháp từ trang trại
Chiều 4/11, khi kiểm tra phương tiện tham gia giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum phát hiện một khối lượng lớn động vật hoang dã trên xe khách biển kiểm soát 36B - 022.32.
Các cá thể động vật hoang dã bị bắt giữ bao gồm rắn và nhiều loài rùa. Về thành phần loài và trọng lượng, có tới 11 loài rùa bị buôn bán trái phép, trong đó 9 loài đã được sách Đỏ thế giới đánh giá ở các cấp độ sắp nguy cấp, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp. Trong đó có loài rùa đầu to - loài rùa đặc biệt nguy cấp, quý, hiếm được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Điều đáng nói là lái xe đã cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 11kg rùa đầu to tại trang trại của ông Trần Chí Đại (trú tại xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
[Phát hiện xe khách vận chuyển 26 cá thể rùa đặc biệt nguy cấp]
Danh sách các loài rùa, số lượng cá thể, trọng lượng từng loài, và chênh lệch lên so với giấy phép vận chuyển. Nhà xe đã xuất trình hai bảng kê lâm sản có xác nhận của Hạt kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng vào các ngày 29/10 và 2/11. Tuy vậy, tại biên bản kiểm tra ngày 4/11, có sự khác biệt tương đối lớn giữa trọng lượng rùa bị tịch thu và trọng lượng rùa ghi trên 2 bảng kê lâm sản.
Sau đó, vào ngày 5/11, đối tượng bổ sung thêm một bảng kê lâm sản cũng có xác nhận của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng vào ngày 30/10 nhằm bù đắp trọng lượng rùa chênh lệch. Tổng trọng lượng rùa trong cả ba bảng kê và trọng lượng rùa bị tịch thu vẫn có sự chênh lệch.
So với bảng kê có xác nhận của cơ quan kiểm lâm, có tới 5 loài rùa không có trong danh sách này với tổng số 75 cá thể và trọng lượng là 50,2kg. Ngoài ra, còn có một số loài có trọng lượng dư so với bảng kê đã được đối tượng cung cấp như rùa đầu to và rùa đất lớn với tổng trọng lượng dư là 18.1kg.
Chậm trễ trong xử lý
Theo quy định của pháp luật tại khoản 2, điều 10 về xử lý vi phạm, Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, các cá thể rùa còn sống trong vụ việc này cần được chăm sóc, cứu hộ phù hợp trong quá trình tạm giữ chờ xử lý. Tuy nhiên, sau khi có kết quả giám định tại chỗ vào lúc 15h41 ngày 6/11, nhưng tới 12 giờ trưa ngày 9/11 toàn bộ số rùa vẫn bị nhốt chung trong các túi lưới và để trong các thùng nhựa có nắp.
Ông Hoàng Văn Hà cho biết chiều 6/11, các nhân viên cứu hộ được phép tách các cá thể rùa vào các hộp nhựa để phục vụ cho công tác cứu hộ tạm thời và giám định tại chỗ. Nhưng sang ngày 7, 8, 9/11, chỉ hai lần một ngày người của tổ chức cứu hộ được tiếp xúc với rùa và cũng chỉ được cho rùa uống nước. Với lý do là các tang vật vụ án chưa được xử lý nên số rùa trên vẫn bị nhốt trong 6-7 túi lưới trong suốt 3 ngày, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hồi phục sức khỏe của chúng khi được chuyển giao về các trung tâm cứu hộ.
Hậu quả là 3 cá thể rùa đã chết vào ngày 6/11 khi tiến hành giám định tại chỗ, 1 cá thể rùa đầu to bị chết vào ngày 8/11 và nhiều cá thể rùa khác vốn đã rất ốm yếu có thể sẽ không trụ được đến khi có quyết định xử lý.
Chiều 9/11, các nhân viên cứu hộ thuộc Trung tâm Bảo tồn rùa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã rút khỏi Kon Tum, do không thể chờ đợi quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng tỉnh.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), chưa bao giờ các cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản về khả năng nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng rùa đầu to. Như vậy, trong trường hợp này việc cơ quan Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cấp phép cho cơ sở của ông Trần Chí Đại gây nuôi nuôi sinh sản, sinh trưởng loài rùa đầu to, sau đó cấp phép vận chuyển loài này là trái quy định hiện hành của pháp luật, cũng như có dấu hiệu tắc trách của cơ quan chức năng trong quá trình quản lý
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước ngay lập tức vào cuộc để chấm dứt tình trạng cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng vì mục đích thương mại đối với rùa đầu to tại các địa phương, cũng như xử lý các cơ quan, đối tượng có dấu hiệu tắc trách theo đúng quy định của pháp luật./.