Lọc dầu Dung Quất tiến tới tự chủ nguồn nguyên liệu dầu thô

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thử nghiệm thành công thêm 2 loại dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là Palanca Blend từ Angola và Bertam từ Malaysia.

Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa thử nghiệm thành công thêm 2 loại dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nâng tổng số loại dầu thô nguyên liệu có thể chế biến lên 32 loại, góp phần tự chủ về nguồn nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể, hai loại dầu thô mới là Palanca Blend từ Angola và Bertam từ Malaysia. Dầu thô Palanca Blend là dầu ngọt, nhẹ, tương đồng với dầu Bạch Hổ là nguyên liệu chế biến chính theo thiết kế ban đầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Sau khi tiến hành đánh giá kỹ thuật, tháng 11/2023, BSR đã đưa dầu Palanca Blend vào hệ thống để đánh giá thử nghiệm với tỷ lệ lên đến 36% tổng nguyên liệu đưa vào chế biến ở phân xưởng chưng cất dầu thô (phân xưởng CDU) trong khi nhà máy duy trì vận hành liên tục ở công suất 110% công suất thiết kế.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, dầu thô Palanca Blend là chủng loại dầu tiềm năng có thể dần thay thế dầu thô tại mỏ Bạch Hổ đang dần cạn kiệt trong tương lai.

Ngay sau khi thử nghiệm Palanca Blend, dầu Bertam từ Malaysia cũng đã được đưa vào thử nghiệm và thành công với tỷ lệ lên đến 30% vào đầu tháng 12/2023.

BSR cho biết, với tỷ lệ dầu thô nhập ngoại đưa vào chế biến hàng tháng tại BSR chiếm khoảng 40% tổng lượng dầu thô nguyên liệu vào phân xưởng CDU, việc thử nghiệm thành công 2 loại dầu thô nhập khẩu này, BSR đã chế biến được 32 loại dầu thô; trong đó có 9 loại dầu thô trong nước và 23 loại dầu thô nhập khẩu, góp phần tự chủ về nguồn dầu thô nguyên liệu, linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và tối ưu hóa công suất vận hành trên cơ sở cung cầu của thị trường nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho công ty.

Theo BSR, năm 2024, công ty sẽ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có hiệu lực với thuế suất nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu sẽ từ 5% giảm về 0%.

Trước đó, theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, thuế nhập khẩu xăng, dầu từ quốc gia này cũng là 0%. Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng có những điểm mới, cho phép các đại lý kinh doanh xăng, dầu được lấy hàng từ 3 nguồn khác nhau. Điều này đã làm tăng tính cạnh tranh của mặt hàng xăng, dầu tại thị trường trong nước.

Trong năm 2024, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng, dầu được điều chỉnh về mức 0% nhưng việc nhập khẩu nguyên liệu trung gian để đưa vào chế biến tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn phải chịu thuế. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh đối với sản phẩm của nhà máy.

Vì vậy, mức thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu trung gian cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần được xem xét điều chỉnh giảm, nhằm tăng tính linh hoạt sản xuất xăng dầu của nhà máy.

Hiện việc bổ sung các nguyên liệu trung gian cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bên cạnh việc đa dạng các chủng loại dầu thô nhập khẩu là giải pháp quan trọng để nhà máy hoạt động ở công suất cao, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Để vượt qua những khó khăn và hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng về sản xuất kinh doanh cũng như bảo dưỡng tổng thể, nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Ban lãnh đạo và tập thể người lao động BSR sẽ thực hiện một loạt các giải pháp.

Cùng với giải pháp đa dạng nguồn nguyên liệu, năm 2024, BSR cũng tập trung vận hành nhà máy an toàn, ổn định, liên tục ở công suất cao, cơ cấu sản phẩm tối ưu phù hợp với tình hình thị trường; tập trung nguồn lực để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ và tối ưu chi phí, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện bảo dưỡng tổng thể so với tiến độ được duyệt để tăng hiệu suất hoạt động của nhà máy, tạo ra hiệu quả cao nhất.

BSR cũng nâng cao hiệu quả đánh giá thông tin, dự báo, thông tin thị trường trong nước, nước ngoài để xây dựng phương án dầu thô, sản xuất kinh doanh phù hợp, giảm thiểu rủi ro nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Cùng đó, BSR quyết liệt triển khai các bước tiếp theo của Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phù hợp với các quy định hiện hành; đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo ra các quy trình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng, văn hóa số và triển khai mạnh mẽ, lan tỏa văn hóa BSR, góp phần tạo dựng hệ sinh thái Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gắn kết, vững mạnh.

Năm 2023, BSR đạt sản lượng hơn 7,35 triệu tấn sản phẩm (vượt 31% kế hoạch), cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại; tổng doanh thu đạt gần 146,5 nghìn tỷ đồng (vượt 54% kế hoạch), lợi nhuận vượt xa kế hoạch và nộp ngân sách nhà nước hơn 16,6 nghìn tỷ đồng (vượt 69% kế hoạch)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục