Nhiều nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm-đồ uống đang lợi dụng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để tăng cường bán các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng như rượu, nước ngọt nhiều đường, đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo.
Kết luận trên được Liên minh chống các bệnh không truyền nhiễm (NCDA) và Đại học Edinburgh đưa ra trong nghiên cứu, công bố ngày 10/9.
Nghiên cứu trên đã nêu quan ngại về việc các nhà sản xuất thực phẩm lớn đang góp phần làm gia tăng các bệnh mạn tính như tiểu đường và tim mạch - những đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19.
Theo nghiên cứu, hàng trăm công ty tại hơn 90 nước đang sử dụng các "mánh lới" để đẩy mạnh quảng bá và cung cấp sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Đơn cử như các công ty sản xuất bia đã thay đổi biểu tượng để gây ấn tượng với khách hàng về sức khỏe được cải thiện, hay các công ty kinh doanh bánh burger theo dõi định vị của khách hàng với cam kết sẽ cung cấp miễn phí đồ ăn, hay các tập đoàn sản xuất nước ngọt lớn đã tặng sản phẩm mình cho các cộng đồng khó khăn.
Do đó, nghiên cứu cáo buộc chính các công ty sản xuất đồ uống và thực phẩm đang làm trầm trọng hơn tác động của dịch COVID-19 đối với những người có nguy cơ cao khi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có những người béo phì và hút thuốc lá.
[Mối liên hệ giữa béo phì với phản ứng nặng ở bệnh nhân COVID-19]
Đa số trong 750 công ty sản xuất thực phẩm và đồng mà NCDA dán mác "thao túng" các cơ quan chức năng là ở Anh và Mỹ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp này đã tận dụng sự ảnh hưởng của mình vận động hành lang giới hoạch định chính sách để có thể kinh doanh rượu, thuốc lá và đồ ăn nhanh ngay cả trong giai đoạn gần như phong tỏa hoàn toàn.
Đơn cử như tại Bangladesh, Bộ Công nghiệp nước này tuyên bố thuốc lá là một mặt hàng thiết yếu. Tương tự như vậy, Chính phủ Kenya cũng đưa thuốc lá, rượu, đồ uống và các sản phẩm chế biến sẵn vào danh mục các mặt hàng thiết yếu...
Trong khi đó, Nam Phi và Thái Lan ban đầu cấm bán rượu trong thời gian phong tỏa, song nghiên cứu chỉ ra rằng cả hai nước trên đều giảm bớt áp lực và dỡ bỏ các hạn chế sớm hơn dự định.
Đại diện NCDA, bà Lucy Westerman, khẳng định nghiên cứu trên làm nổi bật 2 khuynh hướng rõ rệt. Một là ngày càng có nhiều bằng chứng dịch tễ học cho thấy những người mắc các bệnh không truyền nhiễm đang chịu tác động ngày càng tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Hai là nhiều nhà sản xuất các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược nhằm trục lợi từ đại dịch này và từ các lệnh phong tỏa tại nhiều quốc gia.
Chính vì vậy, ban lãnh đạo NCDA kêu gọi các nước siết chặt hơn quy định về cách thức các doanh nghiệp tiếp thị các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Thống kê cho thấy các bệnh không truyễn nhiễm (NCD) như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi... là những tác nhân khiến nhiều người tử vong nhất trên thế giới, với khoảng 40 triệu người tử vong mỗi năm.
Trong khi đó, hiện có hơn 2 tỷ người trên thế giới bị thừa cân hoặc béo phì - yếu tố làm gia tăng nguy cơ gây hàng loạt biến chứng đối với sức khỏe./.