Lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 1.251 tỷ đồng, tăng 13,5%

Hết quý 1, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ HDBank được kiểm soát ở mức 1,08%, là mức thấp trong ngành và đã được duy trì ổn định nhiều năm qua.
Lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 1.251 tỷ đồng, tăng 13,5% ảnh 1Giao dịch tại HDBank. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 với kết quả kinh doanh tích cực. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của HDBank đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 27,8%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.251 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng năm trước.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của ngân hàng đạt 231.774 tỷ đồng. Chất lượng tài sản và thanh khoản được đảm bảo ở mức cao. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ được kiểm soát ở mức 1,08%, là mức thấp trong ngành và đã được duy trì ổn định nhiều năm qua. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt trên 11,2%, vượt xa mức tối thiểu 8% theo quy định và thuộc nhóm các ngân hàng có hệ số CAR cao nhất.

[Ngân hàng dành 10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất đến 4,5% cho DN siêu nhỏ]

Huy động vốn và cấp tín dụng đều tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tổng huy động đạt 204.933 tỷ đồng, trong đó huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng 4,61% đạt 157.996 tỷ. Tổng dư nợ hợp nhất đạt 162.061 tỷ đồng tăng 5,92% so với đầu năm, cao hơn mức bình quân toàn ngành. Ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trên tất cả các phân khúc, gồm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và khách hàng vay tiêu dùng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, HDBank một mặt triển khai các chương trình quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. Ngoài ra ngân hàng cũng tích cực triển khai các gói tín dụng thiết thực hỗ trợ ứng phó dịch COVID-19 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng các mặt hàng thiết yếu, khách hàng trong các chuỗi cung ứng và phân phối trong quý 1.

Các chương trình tín dụng được thiết kế riêng biệt nhằm hỗ trợ hiệu quả cho từng nhóm đối tượng khách hàng như gói hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 24.000 tỷ đồng với mục đích bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bổ sung vốn lưu động, chi lương cho nhân viên; gói ưu đãi tiêu dùng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ… Nhờ vậy, mức tăng trưởng huy động và dư nợ của HDBank khả quan trong quý đầu năm 2020.

Song song với các gói tín dụng, ngân hàng cũng đẩy mạnh các giải pháp tự động hóa và số hóa nhằm mang đến cho khách hàng phương tiện giao dịch tiện lợi và an toàn. Kết thúc quý 1, giao dịch qua Internet Banking tăng trưởng 112%, số lượng thẻ thanh toán mở mới trong quý 1 tăng 67% so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON giữ vững vị trí dẫn đầu các công ty tài chính về mạng lưới phân phối, thuộc nhóm 3 công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường. HD SAISON cũng tăng cường thúc đẩy cho vay online để vừa phù hợp với môi trường kinh doanh, vừa đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng. Dư nợ 3 tháng đầu năm của HD SAISON ghi nhận mức tăng trưởng 4,9%, cao hơn kế hoạch đề ra.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho HDBank, trong bối cảnh Moody’s công bố nhiều ngân hàng có khả năng bị hạ tín dụng. Việc giữ vững mức xếp hạng tín nhiệm của Moody’s phản ánh năng lực tài chính ổn định, rủi ro thấp và cơ hội phát triển dài hạn của HDBank.

Cũng trong quý 1, HDBank đã được vinh danh là Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam do The Asset - Tạp chí Tài chính ngân hàng hàng đầu châu Á đánh giá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục