Rào cản mới đối với cá tra Việt Nam

Luật Nông trại Mỹ - Rào cản mới với cá tra Việt Nam

Luật Nông trại Mỹ với những yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện, chất lượng nuôi, là rào cản mới với ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam.
Luật Nông trại Mỹ - Rào cản mới với cá tra Việt Nam ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2013, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 136 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch 1,8 tỷ USD. Trong đó, riêng thị trường Mỹ đạt kim ngạch xuất khẩu 380 triệu USD, chiếm hơn 21%.

Do đó khi Luật Nông trại của Mỹ được ban hành ngày 7/2/2014, dù chưa có những điều khoản hướng dẫn cụ thể nhưng sẽ có những tác động không nhỏ đối với ngành cá tra nói chung và việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam nói riêng sang thị trường này trong những năm tới.

Bất hợp lý về vùng nuôi

Theo Luật này, việc quản lý nhập khẩu thủy sản Việt Nam nói riêng và thủy sản thế giới nói chung, đặc biệt là con cá tra (pangasius) sẽ được chuyển từ Cục Quản lý dược và thực phẩm của Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Điều này có nghĩa, việc quản lý nhập khẩu thủy sản cá tra sẽ được giám sát gắt gao từ vùng nuôi, mật độ, môi trường và cả an sinh xã hội của nước xuất khẩu tương đương với nước nhập khẩu là Mỹ.

Trên thực tế, Luật Nông trại (Farm Bill) vốn đã được ban hành từ năm 2008, nhưng trong thời điểm ấy, con cá tra Việt Nam mang tên pangasius không nằm trong danh mục quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Cho đến năm 2014, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Luật Nông trại, con cá tra được nêu tên trong một mục nhỏ của mục này, đồng thời kéo theo bộ Siluriformes (cá da trơn) trên toàn thế giới, như các nước Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, bao gồm cả cá nheo (catfish) của Mỹ.

Xét về loài, những con cá này cùng một bộ cá da trơn, nhưng xét về điều kiện tự nhiên, mỗi quốc gia có một môi trường phát triển riêng. Với Mỹ, điều kiện nước mặt không đủ cho sản xuất, nuôi cá da trơn nên nông dân phải sử dụng nước giếng khoan để nuôi cá, đồng thời vì điều kiện nước không cho phép nên ao nuôi cũng không được đào sâu.

Còn tại Việt Nam, với nguồn nước mặt dồi dào của hệ thống sông Mekong, nên nông dân đã sử dụng nguồn tài nguyên này để nuôi cá. Hơn nữa, vấn đề đầu tư nuôi cá giữa Mỹ và Việt Nam không thể giống nhau.

Trước Luật Nông trại liên quan đến cả vùng nuôi, nguồn gốc con giống, chất lượng con cá đã làm cho nhiều nông dân nuôi cá khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoang mang. Ông Cao Lương Tri, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang có bề dày kinh nghiệm nuôi cá 15 năm với 10 ao nuôi lên 15ha.

Thế nhưng, sau khoảng thời gian con cá tra biến động, cùng với Luật Nông trại vừa được ban hành, ông không dám thả nuôi toàn bộ diện tích mà chỉ có thể duy trì một ao cá.

Ông Tri chia sẻ, thiết nghĩ với sự phát triển của ngành cá tra hiện nay, ông mong đợi Chính phủ Việt Nam tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu, để vừa nâng cao chất lượng con cá tra mà lợi nhuận có thể san sẻ đều cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp, hướng tới phát triển con cá tra bền vững, tránh trường hợp biến động thị trường, nông dân sẽ có xu hướng bỏ ao, chuyển nghề.

Cùng một mối lo như ông Tri, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm hợp tác xã thủy sản Châu Phú, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang dành trọn cuộc đời cho con cá tra. Bắt đầu nghề nuôi cá tra từ khi 20 tuổi, đến nay đã 45 năm. Từ diện tích nhỏ một hoặc hai ao nuôi, ông phát triển lên 10ha mặt nước nuôi cá, với năng suất bình quân 300 tấn/ha, nhưng chưa khi nào ông Nguyên chứng kiến con cá tra rơi vào bế tắc như hiện nay.

Ông Nguyên cho biết, cách đây 10 năm, con cá tra đã phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của Mỹ, ông là người dẫn đầu đoàn nông dân Việt Nam sang Mỹ tham gia vụ kiện chống thuế bán phá giá này. Mười năm sau, nông dân nuôi cá lại đối mặt với Luật Nông trại về điều kiện nuôi phải đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Nguyên cho rằng, việc người Mỹ đòi hỏi người Việt Nam nuôi cá theo như cách nuôi cá của người Mỹ là điều bất hợp lý vì điều kiện tự nhiên của hai nước không giống nhau.

Vấn đề cần quan tâm của người Mỹ chính là an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm đạt chất lượng mà những điều này nông dân Việt Nam cũng đã thực hiện rất tốt trong lúc sản xuất và nuôi cá. Điều này được chứng minh bằng việc đạt chứng nhận BAP, USDC của Mỹ, ASC, Global GAP, ISO của châu Âu.

Doanh nghiệp vẫn chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn

Khi các điều khoản của Luật Nông trại chưa có, hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều chủ động ứng phó theo cách riêng của mỗi doanh nghiệp. Nhưng dù diễn biến thế nào, thì các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như phía Mỹ yêu cầu bấy lâu nay.

Khi nhận thông tin về Luật Nông trại này, ông Châu Minh Đạt, Tổng giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Hoàng Long, thuộc Hoàng Long Group, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, đến giờ này chưa doanh nghiệp nào có cái nhìn lạc quan về thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với cá tra Việt Nam, bây giờ lại thêm sự tái khởi động của dự Luật Farm Bill vừa được ban hành.

“Như vậy chúng ta cùng một lúc đối diện hai rào cản. Một rào cản về mặt thương mại. Một rào cản chưa định hình rõ rệt hiện nay chính là Luật Farm Bill sẽ được quy định gắt gao về tiêu chuẩn nuôi với con cá tra của Việt Nam như thế nào? Khi đối mặt với rào cản thứ hai, chi phí nuôi cá tra sẽ tăng lên rất nhiều lần so với cách nuôi hiện nay để đáp ứng được tiêu chuẩn Mỹ đưa ra”, ông Đạt lo lắng.

Còn ông Lưu Bách Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt An, An Giang, cho biết, sản phẩm của Việt An đã thâm nhập vào thị trường Mỹ từ năm 2008, từ nhà máy đến vùng nuôi đều đạt tiêu chuẩn hai sao để có thể tiếp cận thị trường Mỹ. Nhưng trong vài năm gần đây, thuế chống bán phá giá của Mỹ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện lại xuất hiện thêm rào cản Luật Nông trại.

Thế nhưng, chính vì các điều khoản cụ thể của Luật này chưa được công bố rõ ràng, nên doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ chưa hình dung được sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì và áp lực sẽ lớn đến đâu.

Nếu xét về cách quản lý các ngành nghề khác của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thì họ sẽ quản lý gắt gao từ con giống đến vùng nuôi, chế biến, xuất khẩu và các tiêu chuẩn, tương đồng với cách nuôi và chất lượng con cá nheo Mỹ thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư rất lớn trong khi chất lượng sản phẩm vẫn giữ như khi áp dụng các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Vì vậy, trước mắt doanh nghiệp Việt An vẫn giữ các tiêu chuẩn xuất khẩu như những năm trước đây. Khi điều kiện cụ thể được ban hành, doanh nghiệp sẽ đàm phán theo điều kiện mình có.

Trong thời gian chờ đợi điều khoản cụ thể của Luật Nông trại, sẽ là giai đoạn mà nhà chức năng cũng như doanh nghiệp, nông dân nuôi cá tra Việt Nam tranh thủ để tìm giải pháp để thích ứng, mở lối đi mới cho ngành cá tra./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục