Lực đẩy cho đà tăng phi mã của giá vàng thế giới

Theo giới phân tích, những yếu tố đẩy vàng tăng giá bao gồm bất ổn địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, khả năng đồng USD suy yếu và triển vọng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.

Khách hàng chọn mua trang sức tại tiệm vàng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khách hàng chọn mua trang sức tại tiệm vàng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bước sang năm 2024, giá vàng được giao dịch ở ngưỡng trên 2.000 USD/ounce. Trong những ngày đầu tháng Ba giá vàng liên tục phá vỡ các kỷ lục vừa được xác lập và chạm đỉnh mới 2.164,09 USD/ounce vào phiên 7/3.

Các nhà phân tích kỳ vọng đến cuối năm nay, giá kim loại quý này có thể vẫn duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/ounce và có thể đạt mức cao mới trong lịch sử.

Theo giới phân tích, những yếu tố đẩy vàng tăng giá bao gồm bất ổn địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, khả năng đồng USD suy yếu và triển vọng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.

Các mô hình truyền thống bị phá vỡ

Trong 90 năm qua, giá trị của vàng phụ thuộc chủ yếu vào khối lượng giao dịch giữa các thị trường ở khu vực phương Tây và phương Đông.

Các nước phương Tây quyết định cung cầu, trong khi các nước phương Đông đóng vai trò là đối tác trong giao dịch.

Do đó, khi khối lượng vàng vật chất mà Anh hoặc Thụy Sỹ mua tăng lên thì giá cũng tăng và ngược lại. Kết quả là vàng di chuyển từ phương Tây sang phương Đông và ngược lại, đồng bộ với việc giá giảm hoặc tăng.

Yếu tố thứ hai có tác động đến giá là quan hệ giữa giá vàng và lợi suất thực của trái phiếu chính phủ Mỹ. Khi lợi suất thực giảm, trái phiếu mất đi sức hấp dẫn và các nhà đầu tư chuyển sang vàng. Khi xu hướng đảo ngược và lợi suất thực bắt đầu tăng, các nhà đầu tư quay lại tìm trái phiếu.

Tuy nhiên kể từ cuối năm 2022, cả hai mô hình này đều không hoạt động. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 4,33%, cao hơn các mức đỉnh ghi nhận vào năm 2022 và phá kỷ lục 15 năm. Song song với đó, giá vàng không những không giảm mà còn tăng 16% trong giai đoạn từ tháng 11/2022 đến tháng 8/2023, từ 1.643 USD/ounce lên 1.954 USD/ounce.

Trong khi đó, tương quan giữa khối lượng giao dịch vàng và giá vàng cũng không hoạt động.

Kể từ quý 3/2022, Vương quốc Anh và Thụy Sỹ trở thành những nhà xuất khẩu vàng ròng, tức là bên bán. Theo mô hình lịch sử, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến giá vàng giảm. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Vì vậy, dường như phương Tây không có ảnh hưởng đáng kể đến việc định giá kim loại quý trong thời gian gần đây.

Đâu là động lực thật sự?

Xung đột địa chính trị leo thang đang khiến vàng tăng giá. Do các sự kiện địa chính trị trong năm 2022, tài sản được định giá bằng đồng USD trở nên rủi ro hơn đối với nhiều quốc gia.

Các ngân hàng trung ương ở khu vực Nam Bán cầu, Đông Âu và Trung Đông đã tích cực theo đuổi chính sách tăng tỷ lệ sở hữu vàng trong dự trữ ngoại hối kể từ cuối năm 2022.

ttxvn_gia_vang_2.jpg
Vàng miếng được bán tại Dublin, Ireland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng đã mua 800 tấn vàng trong 9 tháng của năm 2023, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó. Nhu cầu dư thừa từ các ngân hàng trung ương đã đẩy giá vàng tăng 10% trong năm 2023.

Chuyên gia Kar Yong Ang, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại công ty môi giới ngoại hối Octa, cho biết: “Việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng sẽ là động lực tăng trưởng chính (của vàng) vào năm 2024.”

Cũng theo chuyên gia này, nếu xu hướng này tiếp tục và tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối tiến tới mức trung bình 40%, thì giá trị vàng dự trữ sẽ tăng thêm 3.200 tỷ USD - mức tăng tương đương 25% vào năm 2025, tương ứng với mức giá 2.500 USD/ounce.

Mọi biến động về địa chính trị đều tác động lớn đến vàng. Vàng cũng chứng kiến một đợt tăng giá khác kể từ khi xung đột tại Trung Đông bùng nổ. Kể từ tháng 10/2023, giá vàng đã tăng hơn 8%.

Sự ổn định của lạm phát sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Năm 2022, lạm phát toàn cầu đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, có một thực tế là lạm phát đã chạm đỉnh từ cuối năm 2023. Hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024.

“Theo truyền thống, giá vàng có mối tương quan nghịch với lạm phát. Lạm phát càng thấp thì lãi suất trái phiếu chính phủ càng thấp. Kết quả là sức hấp dẫn tương đối của các tài sản không sinh lãi như vàng tăng lên,” ông Kar Yong Ang cho biết.

Ngoài ra, các nền kinh tế đang phát triển theo hướng phi đô la hóa. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư coi vàng như một phương tiện thay thế để tiết kiệm và phòng vệ trước các rủi ro về lạm phát và tiền tệ. Nhu cầu về vàng ngày càng tăng do Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (thành viên của BRICS) đang tìm cách cải thiện sự độc lập về tiền tệ của họ.

Do đó, các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng bao gồm lạm phát, nhu cầu mua vàng gia tăng từ các ngân hàng trung ương, tình trạng USD hóa ở các nền kinh tế đang phát triển, tình hình kinh tế vi mô và địa chính trị.

Sự kết hợp của những yếu tố này sẽ tạo điều kiện để giá vàng tiếp tục đi lên vào năm 2024.

Giới chuyên gia ước tính trong nửa đầu năm, giá kim loại quý này có thể vượt ngưỡng 2.200 USD/ounce. Trong nửa cuối năm, xu hướng tăng giá của vàng có thể sẽ tiếp tục và vàng có thể đạt mức 2.300 USD/ounce. Giá trung bình của năm 2024 dự kiến đạt 2.170 USD/ounce.

Trong khi các nhà phân tích tại Citi Group cho rằng có 25% xác suất vàng đạt mức kỷ lục 2.300 USD/ounce trong nửa cuối năm. Triển vọng cơ bản mà họ dự báo cho giá vàng vẫn là 2.150 USD/ounce, đồng thời cho rằng vàng có khả năng leo lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 12-16 tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục