Ngày 11/11, quân đội Nga cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này đã được triển khai đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Động thái này là một phần của thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt nhiều tuần giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực xung đột trên.
Thượng tướng Sergei Rudskoy thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga cho biết hiện lực lượng gìn giữ hòa bình nước này đang kiểm soát hành lang Lachin, tuyến kết nối chính giữa Armenia và khu vực Nagorny-Karabakh.
Theo Tướng Rudskoy, trong 24 giờ qua, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã 27 lần thực hiện nhiệm vụ.
Ông Rudskoy cho biết 414 quân nhân, 8 máy bay trực thăng và hàng chục phương tiện cũng như thiết bị của Nga đã đến Armenia. Theo ông, gần như tất cả những quân nhân trong phái bộ gìn giữ hòa bình này đều đã có kinh nghiệm trong các hoạt động nhân đạo trước đó tại Syria.
[Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ giám sát thỏa thuận ngừng bắn Nagorny-Karabakh]
Tướng Rudskoy cũng cho biết theo thỏa thuận mà Armenia và Azerbaijan đạt được dưới sự trung gian của Nga, các bên đã nhất trí thiết lập 16 trạm giám sát dọc đường giới tuyến ở khu vực Nagorny-Karabakh và dọc hành lang Lachin. Lực lượng quân cảnh cũng sẽ được triển khai.
Theo ông Rudskoy, hiện quân đội Nga cũng đang giữ liên lạc thường xuyên với lãnh đạo quân đội ở Azerbaijan và Armenia nhằm ngăn chặn bất kỳ sự cố nào xảy ra và đảm bảo an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này và Nga đã ký thỏa thuận thiết lập một trung tâm giám sát chung việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh vào sáng 11/11. Theo ông Erdogan, hai nước sẽ cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.
Hôm 10/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã thông báo thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh đẫm máu ở khu vực này.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9 vừa qua đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người./.