Lũng đoạn đấu giá khai thác khoáng sản: Xử lý nghiêm 'tằm ăn dâu'

“Tằm ăn dâu” là cách nói về việc doanh nghiệp khai thác lấn sang phạm vi các vùng được cấp phép khai thác hợp pháp, mỗi ngày lấn một ít, từ đó phạm vi khai thác ngày càng lớn.

Khai thác cát. (Nguồn: TTXVN)
Khai thác cát. (Nguồn: TTXVN)

Thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ngày 15/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng-Minh Châu.

Gia cố "chuồng" trước khi "mất sạch bò"

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành: tư pháp, tài chính, xây dựng, công thương, công an thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố kết quả thực hiện trước ngày 17/11/2023.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát toàn bộ giấy phép khai thác cát được cấp trên địa bàn thành phố đã hết thời, báo cáo hiện trạng, cơ sở pháp lý, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; nghĩa vụ tài chính về đất đai, môi trường, khoáng sản; đóng cửa mỏ theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố đưa vào kế hoạch khai thác khoáng sản của thành phố đối với các mỏ còn trữ lượng khai thác nhưng hết thời hạn theo quy định; không gia hạn giấy phép khai thác cát, không cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 5/9/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Đối với các mỏ cát chưa hết thời hạn khai thác, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật có liên quan của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổng hợp báo cáo và đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố.

Công an thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, khoáng sản trái phép, báo cáo thường xuyên.

Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa để thực thi chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, vừa nhằm hoàn thành trách nhiệm thường kỳ của mình theo quy định.

Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban Nhân dân các cấp tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 về việc thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, đồng thời đã bổ sung hành vi, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi trong Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ trực Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, tổ chức các cuộc họp trực tiếp với các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép kéo dài, phức tạp để bàn các giải pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Theo quy định mới nhất tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Ngăn chặn khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép

Về 3 vụ đấu thầu khai thác mỏ cát ở Hà Nội, các chuyên gia tài chính dự đoán bên cạnh nguy cơ đánh giá không sát trữ lượng mỏ làm giá khởi điểm đưa ra quá thấp; các doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc gây nhiễu loạn thị trường không loại trừ khả năng các doanh nghiệp đấu giá nhắm tới chiến thuật “tằm ăn dâu” vốn đã trở nên khá phổ biến trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng nói chung và khai thác cát nói riêng.

“Tằm ăn dâu” là cách nói về việc các doanh nghiệp sau khi được cấp phép khai thác mỏ cát thì chăm chăm khai thác lấn sang phạm vi các vùng được cấp phép khai thác hợp pháp," mỗi ngày lấn một ít, sau một năm nhìn lại thì phạm vi khai thác đã lớn gấp nhiều lần “vùng lõi” hợp pháp.

Việc này đã xảy ra trong một thời gian dài, ở nhiều địa phương, gần như được ngầm hiểu là “điều đương nhiên” nhằm lấy số lượng bù đắp cho trữ lượng mỏ cát có hạn. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp đua nhau đẩy giá quyền khai thác cát lên hàng chục, hàng trăm lần so với giá khởi điểm.

Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép trên địa bàn các tỉnh, thành phố, từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Xây dựng Thương mại Kiến Thịnh với số tiền 170 triệu đồng. Cụ thể, Công ty Kiến Thịnh được phép khai thác cát trên sông Chảy (huyện Bảo Yên) nhưng đã lấn 3.307m2 ra lòng sông.

Trong nhiều năm liền đã diễn ra tình trạng sạt lở ven sông Hồng tại một số nơi giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động khai thác cát chưa được kiểm soát. Việc vi phạm ranh giới được phép khai thác được lặp đi lặp lại mà chính quyền địa phương chưa có các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ.

Vào đầu năm nay, hai doanh nghiệp ở huyện Thanh Chương và huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) bị xử phạt hành chính với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng do khai thác cát vượt công suất, ranh giới cho phép suốt hai năm liền. Các doanh nghiệp này cũng bị đình chỉ hoạt động trong hơn 5 tháng. Đó là Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành và Công ty Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương.

Tháng 10/2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện những hành vi vi phạm xung quanh quá trình hoạt động, khai thác khoáng sản tại mỏ cát, sỏi Ngọc Kinh Đông ở xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc).

Cụ thể, một số doanh nghiệp đã sử dụng các thiết bị để múc cát ở ngoài vị trí, ranh giới mỏ, quá khung thời gian quy định; khai thác vượt công suất giấy phép; không duy trì hoạt động của trạm cân, hệ thống camera giám sát, lập sổ sách, hóa đơn, chứng từ mua, bán không đầy đủ; kê khai nộp thuế về khai thác, kinh doanh khoáng sản không đúng sản lượng được cấp phép…

ttxvn_khai thac cat 3.jpg
Ủy ban Nhân dân huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên kiến nghị di chuyển toàn bộ các thiết bị khai thác cát khỏi địa phương để tránh việc sử dụng trái phép. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Tháng 9/2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã ra Quyết định số 1262/QĐ-UBND chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho ngành chức năng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty Đầu tư và Phát triển Huy Phú. Công ty Huy Phú được cấp phép khai thác cát sông Đà Rằng thuộc địa bàn xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa. Trong quá trình thực hiện, Công ty Huy Phú đã liên tục khai thác vượt ra ngoài phạm vi cho phép.

Tháng 7/2023, tại vùng nội thủy ven biển tỉnh Trà Vinh (khu vực xã Đông Hải, huyện Duyên Hải), tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Vĩnh phát hiện một con tàu đang khai thác cát ngoài khu vực mỏ cát được cấp phép khai thác. Đồn Biên phòng Long Vĩnh đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ các phương tiện để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2022 đến cuối tháng 3/2023, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý 208 vụ với 369 đối tượng khai thác cát trái phép, trong đó có việc khai thác ngoài vùng được cấp phép, xử phạt hành chính gần 18 tỷ đồng; tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm gồm gần 7.590m3 cát san lấp.

Thực tế ở các địa phương cho thấy việc xử phạt hành chính hiện nay chưa có tác dụng răn đe với các doanh nghiệp cố tình khai thác ngoài phạm vi mỏ khoáng sản được cấp phép. Lý do là lợi nhuận thu được quá lớn so với số tiền nộp phạt. Phải mạnh tay hơn theo cách của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên - chuyển hồ sơ vi phạm của doanh nghiệp cho ngành công an để điều tra và khởi tố hình sự.

Theo Điều 227 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trường hợp tổ chức là pháp nhân, cá nhân thực hiện hành vi khai thác cát mà không có giấy phép khai thác khoáng sản hoặc có giấy phép nhưng không khai thác đúng với nội dung của giấy phép và đã bị xử phạt hành chính hoặc thu lời bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc trữ lượng cát khai thác trái phép có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên... thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên."

Thực tế trên cho thấy bên cạnh việc quản lý tốt công tác cấp phép, quản lý việc khai thác khoáng sản, nhất là cát sông theo đúng nội dung được cấp phép, để tránh bị thất thoát tài sản nhà nước, thao túng giá vật liệu xây dựng, làm xói mòn niềm tin của người dân thì công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương có ý nghĩa đầu tiên, trước hết.

Chỉ khi nào chính quyền địa phương không "ngoảng mặt làm ngơ," các lực lượng chức năng quản lý tốt các khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản và cả khu vực chưa được cấp phép cũng rõ người chịu trách nhiệm quản lý thì mới dẹp được chiến lược "tằm ăn dâu" của đám sâu bọ chuyên làm nghèo đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục