Lý do Australia nên quan tâm hơn đến các đồng minh Đông Nam Á

Chuyên gia cho rằng sau đại dịch COVID-19, Australia cần hướng sự tập trung nhiều hơn vào các đồng minh Đông Nam Á.
Lý do Australia nên quan tâm hơn đến các đồng minh Đông Nam Á ảnh 1Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài phân tích đăng trên tờ Australia Financial Review, nhà báo chuyên theo dõi các vấn đề chính trị Laura Tingle cho rằng sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19), Australia cần hướng sự tập trung nhiều hơn vào các đồng minh Đông Nam Á.

Nội dung bài viết như sau:

Ngay sau khi tuyên bố về một số bước đi thận trọng nhằm bảo vệ người dân Hong Kong ở Australia vào ngày 9/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Bản tóm lược về nội dung hội nghị được công bố rộng rãi chỉ vài giờ sau đó, với văn phong ngoại giao lịch sự và buồn tẻ.

Thực tế là nội dung của hội nghị đã được tiết lộ từ trước, trong thông báo ngày 9/7 của ông Morrison: “Thủ tướng Abe và tôi sẽ thảo luận về những kinh nghiệm chung trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 và cách chúng ta có thể làm việc cùng nhau và cùng với các đối tác khác, để giúp đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, toàn diện và thịnh vượng..."

"Chúng tôi sẽ thảo luận cách phối hợp hỗ trợ ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nhằm tăng cường hệ thống y tế và thúc đẩy khả năng phục hồi nền kinh tế đang bị hủy hoại. Tôi cũng mong muốn thảo luận với Thủ tướng Abe về cơ hội tăng cường hơn nữa mối quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai nước.”

[Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Australia nhấn mạnh hợp tác chống COVID-19]

Và đó chính xác là những gì mà hai nhà lãnh đạo đã trao đổi, mặc dù có nhiều chi tiết hơn được nêu ra.

Thông cáo báo chí sau hội nghị cho biết: “Các nhà lãnh đạo bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với các nạn nhân của đại dịch COVID-19. Họ nhận thức rằng sự đoàn kết toàn cầu, hợp tác và chủ nghĩa đa phương hiệu quả, bao gồm thông qua Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức tài chính quốc tế là nhân tố quan trọng hơn bao giờ hết để đánh bại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và hỗ trợ phục hồi kinh tế."

"Họ cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác để giải quyết các thách thức đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và thịnh vượng; từ đó lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn nữa các hành động cưỡng chế và các hành động đơn phương, các thông tin sai lệch, yêu cầu cần phải đảm bảo sự phục hồi của những chuỗi cung ứng quan trọng trong khi vẫn duy trì các thị trường mở và dựa trên quy tắc."

Không khó để thấy rằng hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới Trung Quốc trong tất cả các thảo luận trên.

Các sự kiện ở Hong Kong trong tuần qua đã làm tăng thêm hồi chuông báo động về sự gây hấn của Trung Quốc, trên cả phương diện đàn áp những người bất đồng chính kiến (dựa trên việc thực thi luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong) lẫn việc gây áp lực đối với các công ty công nghệ quốc tế đang hoạt động ở đó như Facebook, Twitter, Telegram, Google, Zoom, Microsoft và LinkedIn, nhằm buộc các công ty này cung cấp dữ liệu cho chính quyền Trung Quốc.

Vì vậy, hội nghị trực tuyến giữa ông Morrison và ông Abe cũng như các tuyên bố sau đó mang nhiều ý nghĩa hơn trong bối cảnh các sự kiện đang diễn ra ở Hong Kong.

Cần phải tiếp tục hỗ trợ các đồng minh

Với việc Mỹ đang “tạm nghỉ” ở Thái Bình Dương, Australia cần các đồng minh Đông Nam Á và Thái Bình Dương hơn bao giờ hết. Đây là một phần trong việc định hình tương lai của Australia.

Trong bài xã luận dài viết về các vấn đề chính sách đối ngoại của Australia, phát ngôn viên của Công đảng đối lập Penny Wong khẳng định Australia cần bắt đầu nhận thức rằng COVID-19 là nguyên nhân khiến các nước láng giềng gần nhất và cũng rất quan trọng với Australia cần Australia dành cho họ những hỗ trợ cần thiết.

Bài xã luận của bà Wong rất thú vị, chính nhờ vị trí trong đảng đối lập đã cho phép bà lên tiếng một cách mạnh mẽ về những điều được giấu đi đằng sau lớp ngôn ngữ “gượng gạo” của bản tuyên bố chung giữa Thủ tướng Morrison và người đồng cấp Nhật Bản.

Thật vậy, bản tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo “thảo luận về tình hình địa chính trị hiện nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và thịnh vượng…"

"Các nhà lãnh đạo tái khẳng định tính trung tâm của kiến trúc do Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu. Họ ghi nhận những nỗ lực của cả Nhật Bản và Australia trong việc tăng cường mối quan hệ với ASEAN."

Trong bài viết của mình, bà Wong đã đề cập tới mối quan hệ Mỹ-Trung đang dần xấu đi và sự sụp đổ của chủ nghĩa đa phương.

Đặc biệt, bà phân tích về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng như ASEAN và Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Bà Wong viết: “Tuy nhiên, các tác động kinh tế của đại dịch đối với những đối tác quan trọng ở khu vực có thể cản trở kế hoạch này. Đông Nam Á là khu vực dễ bị tổn thương bởi một cuộc khủng hoảng tài chính, vì các nước này đang phải đối mặt với áp lực tài chính chưa từng có."

Tương tự, bà Wong lưu ý rằng đại dịch cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến các quốc gia Thái Bình Dương.

Bà viết: “Các hệ thống y tế mong manh có thể bị áp đảo và các quốc gia Thái Bình Dương đang phụ thuộc nhiều nhất vào du lịch sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ thực sự.”

Đây là những điều mà Australia cần phải tính đến. Tuy nhiên, những điều này sẽ thu hút được bao nhiêu sự chú ý từ Xứ chuột túi vào thời điểm quốc gia này đang phải gồng mình chống lại đại dịch COVID-19 và đối phó với sự sụp đổ kinh tế, đồng thời lại phải đối mặt với sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc?

Tuần trước, Tờ New York Times đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đã thể hiện một xu hướng hành động khiêu khích với một thế giới đang bị phân tâm bởi sự lây lan tàn khốc của SARS-CoV-2, đặc biệt là trong thời gian gần đây."

Tờ báo trích dẫn thông tin từ Đài Loan cho biết “trong những tuần qua, Trung Quốc đã 'quấy phá' không phận Đài Loan gần như hàng ngày. Trung Quốc cáo buộc Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh đã thực hiện ‘âm mưu ly khai’ bằng các phát biểu tại một diễn đàn dân chủ quốc tế.

Trung Quốc cảnh cáo Đài Loan dừng việc cung cấp nơi trú ẩn cho các nhà hoạt động chính trị Hong Kong, những người đang tìm cách tụ tập đến nơi mà họ gọi là 'pháo đài tự do cuối cùng' trong thế giới nói tiếng Trung Quốc.”

Các nhà chiến lược đang theo dõi Đài Loan một cách lo lắng, tự hỏi liệu đây có phải là địa điểm tiếp theo trong nỗ lực khẳng định sức mạnh của Chủ tịch Tập Cận Bình?

Đó sẽ là một thử nghiệm thậm chí còn lớn hơn đối với cả khu vực và Mỹ. Các kịch bản chiến tranh của Lầu Năm Góc đã được báo cáo, cho thấy Mỹ sẽ đấu tranh để ngăn chặn một cuộc xâm lược Đài Loan, và sẽ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh trên biển với Trung Quốc.

Đây dường như là tương lai dễ đoán. Điều này cho thấy những quan điểm của bà Wong là chính xác: "Trong khi có quá nhiều việc phải làm, Australia vẫn cần phải tăng cường chú ý và tài trợ cho những quốc gia láng giềng dễ bị tổn thương. Nếu chúng ta không làm vậy, sẽ có “người chơi” khác thay thế. Và nó có thể khiến Australia càng đơn độc hơn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục